Hàng loạt hãng xe Nhật Bản bị phát hiện gian lận kiểm định an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ Nhật Bản phát hiện thêm sai phạm liên quan đến thử nghiệm an toàn của các hãng sản xuất ô tô của nước này.
Hàng loạt hãng xe Nhật Bản bị phát hiện gian lận kiểm định an toàn

Ngày 3/6, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ Giao thông) đã buộc các hãng xe Toyota Motor, Mazda và Yamaha Motor ngừng phân phối một số mẫu xe do cung cấp sai dữ liệu thử nghiệm an toàn, hoặc thao túng kết quả thử nghiệm khi đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm. Dấu hiệu bất thường cũng xuất hiện trong giấy tờ của Honda và Suzuki.

Bộ này cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra trụ sở chính của Toyota tại tỉnh Aichi vào thứ Ba tuần này (4/6).

Năm 2023, công ty Daihatsu thuộc Toyota bị phát hiện gian lận thử nghiệm an toàn. Cuối tháng 1/2024, Bộ Giao thông Nhật Bản yêu cầu các nhà sản xuất xe hơi khác điều tra thông tin chứng nhận chất lượng. Qua điều tra đã chỉ ra sai phạm ở nhiều mẫu xe.

Diễn biến mới này có thể sẽ trở thành mối bận tâm chính của cổ đông trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Toyota cuối tháng 6. Các công ty tư vấn ủy quyền nổi tiếng Institutional Shareholder Services (ISS) và Glass Lewis đã khuyên cổ đông không tái bầu ông Akio Toyoda làm Chủ tịch tại buổi họp.

Trong báo cáo gửi cổ đông, ISS đặc biệt nhấn mạnh “hàng loạt bất thường trong chứng nhận chất lượng” của Tập đoàn Toyota.

“Là người phụ trách Tập đoàn Toyota, tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng, người hâm mộ xe hơi, cũng như tất cả các bên liên quan về việc này”, ông Toyoda - cháu trai người sáng lập hãng, cựu Giám đốc Điều hành - phát biểu trong họp báo chiều 3/6.

Ông thừa nhận các sản phẩm chưa thông qua quy trình kiểm định chuẩn trước khi được bán tới khách hàng. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới theo khối lượng cho biết sẽ tạm dừng phân phối và bán với 3 mẫu xe sản xuất tại Nhật Bản.

Bê bối tại các hãng sản xuất xe hơi đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ Nhật Bản. Ông Yoshimasa Hayashi, một phát ngôn viên hàng đầu của Chính phủ, đã gọi các sai phạm là “đáng tiếc”.

Cổ phiếu giảm

Toyota cho biết, vi phạm xảy ra trong 6 bài thử nghiệm khác nhau vào năm 2014, 2015 và 2020. Các mẫu xe có liên quan gồm 3 mẫu đang sản xuất là Corolla Fielder, Corolla Axio, Yaris Cross và phiên bản đã ngừng của 4 mẫu khác.

Hãng đưa ra một số ví dụ vi phạm như chỉ đánh giá tác động va chạm ở một bên nắp capo và sử dụng điều kiện thử nghiệm khác quy định của Bộ.

Vấn đề hiệu quả sử dụng nhiên liệu và mức phát thải đang được tiếp tục điều tra. Toyota cho rằng không có lỗi vận hành nào đe dọa an nguy của khách hàng.

Cổ phiếu Toyota đóng cửa giảm 1,8%, kém mức tăng 0,9% của chỉ số TOPIX.

Tương tự, Mazda cũng thông báo đã ngừng phân phối xe thể thao Roadster RF và dòng Mazda 2 hatchback từ giữa tuần trước, sau khi phát hiện có sự điều chỉnh kết quả kiểm tra phần mềm điều khiển động cơ.

Hãng này cũng bị phát hiện các cuộc thử nghiệm va chạm của các mẫu xe Atenza và Axela (không còn được sản xuất) đã bị giả mạo bằng cách sử dụng bộ hẹn giờ để kích hoạt túi khí trong một số thử nghiệm va chạm trực diện, thay vì dựa vào cảm biến trên xe để phát hiện một vụ va chạm.

Bê bối này cũng khiến cổ phiếu Mazda giảm 3,3%.

Trong khi đó, Yamaha cho hay, một mẫu xe máy thể thao đã bị ngừng phân phối. Honda cũng cho biết, đã phát hiện vi phạm trong thử nghiệm tiếng ồn và thử nghiệm công suất trong vòng 8 năm của hơn 20 mẫu xe đã dừng sản xuất.

Cổ phiếu của 2 hãng xe này giảm nhẹ hơn nhiều so với 2 đồng nghiệp. Trong đó, cổ phiếu Yamaha giảm 0,4% và cổ phiếu Honda giảm 0,2%.

Tin bài liên quan