Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN trực thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể. Chẳng hạn, lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí lên tới 3.377 tỷ đồng, Vietsovpetro 581 tỷ đồng; có 5/21 công ty con của Viglacera lỗ 81 tỷ đồng; CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) thuộc MobiFone lỗ 73 tỷ đồng...
Thua lỗ nặng nề nên một số đơn vị thành viên của PVN bị rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, thậm chí có đơn vị bị âm vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng như CTCP Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí 1.780 tỷ đồng; CTCP Ðầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam 172 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Vận tải Sông Sài Gòn thuộc Samco đang thực hiện thủ tục giải thể.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, một số DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính; sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hệ số bảo toàn vốn thấp, nhiều DN quản lý vốn đầu tư lỏng lẻo, tình trạng góp vốn, sở hữu chéo với các DN trong cùng tập đoàn, tổng công ty vượt giới hạn không đúng quy định; lập báo cáo giám sát chưa đầy đủ, chưa ban hành quy chế người đại diện vốn...
Ðáng lo ngại, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi cao như Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) 547 tỷ đồng; công ty mẹ - MobiFone 510 tỷ đồng; CTCP Phát triển địa ốc Sài Gòn 5.191 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) 266 tỷ đồng. Thậm chí, có những đơn vị ôm khoản nợ khó đòi lên tới chục nghìn tỷ đồng như của công ty mẹ - PVN 11.368 tỷ đồng.
Tình trạng quản lý và sử dụng đất đai, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của nhiều DN nhà nước cũng có nhiều sai sót, yếu kém. Theo Kiểm toán Nhà nước, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn song chưa được bản thân DN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ; nhiều diện tích đất chưa sử dụng. Nhiều DN sử dụng đất không đúng mục đích, thậm chí còn bị lấn chiếm, tranh chấp lên tới hàng chục héc ta. Tương tự, việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng còn buông lỏng. Nhiều dự án nghiệm thu, thanh toán, quyết toán sai sót về khối lượng, đơn giá và chưa đầy đủ thủ tục nên Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, giảm thanh toán 210 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 5.681 tỷ đồng.
Ðánh giá về thực trạng kém hiệu quả của DN nhà nước, ông Phạm Ðức Trung, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, khu vực này ngày càng có xu hướng thâm dụng vốn, tài sản và các nguồn lực đất đai, nhân lực so với các khu vực khác.
“Ðiều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng của DN nhà nước chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra là doanh thu và nguồn lực đầu vào bao gồm tài sản, vốn kinh doanh, làm giảm hiệu quả đầu tư của DN và kinh tế nhà nước”, ông Trung nhận xét. Chính vì vậy, yêu cầu cải cách DN nhà nước đang đặt ra ngày càng cấp thiết, trong đó việc cổ phần hoá, thoái vốn phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm.
Nhấn mạnh về yêu cầu siết chặt hiệu quả quản lý vốn đầu tư của khu vực DN nhà nước, ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, nên giảm tối đa vốn đầu tư nhà nước vào các thành phần kinh tế, qua đó thúc đẩy thành phần kinh tế khác phát triển.
“Nếu đã có vốn nhà nước, dù tỷ lệ ít hay nhiều đều phải được giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ để tránh thất thoát và giảm hiệu quả đồng vốn”, ông Tiến khẳng định.