Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo sớm rà soát quy hoạch khai thác cát ở miền Tây gắn với bảo vệ sông, chống sạt lở, phát triển bền vững. Ảnh: Cửu Long

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo sớm rà soát quy hoạch khai thác cát ở miền Tây gắn với bảo vệ sông, chống sạt lở, phát triển bền vững. Ảnh: Cửu Long

Hàng loạt công trình giao thông miền Tây đình trệ vì ‘đói’ cát

Giá cát xây dựng tại miền Tây tăng 200-300% nhưng không có nguồn cung, khiến hàng loạt công trình hạ tầng bất động, đội vốn lớn.

Khủng hoảng thiếu cát phục vụ san lấp mặt bằng, xây dựng làm "nóng" cuộc họp tháo gỡ khó khăn, phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng Sông Cửu Long do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 23/6 tại Cần Thơ.

Tại cuộc họp, ông Lâm Quang Thi – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói: “Do không cấp phép khai thác cát, các dự án thông luồng sông rạch tạm dừng nên nguồn cung không đủ cầu, giá tăng 200 đến 300%”.

Theo ông Thi, Luật Khoáng sản quy định khai thác cát phải hỏi cộng đồng dân cư, nhưng giờ đa số người dân không đồng ý.

Cùng cảnh khó, ông Nguyễn Trung Hoàng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh có 36 mỏ cát đã đóng, hiện nay chỉ còn xem xét lại 6 mỏ. "Từ khi đóng cửa các mỏ, giá cát tăng đột biến. Hầu như các công trình đều bị ách tắc", ông Hoàng nói.

Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh giao cho các sở ngành xem xét báo về cho Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh khác hỗ trợ nguồn cát xây dựng công trình giao thông, kiến nghị sớm có giải pháp để tháo gỡ cho các địa phương khó khăn vấn đề này.

Hiện tỉnh này không cho xuất cát ra ngoài, để tập trung xây dựng các công trình công ích.

Tỉnh Đồng Tháp dừng cấp phép khai thác thêm nên cũng mất cân đối cung cầu. "Cuối năm nay, hai cầu cao Cao Lãnh và Vàm Cống hoàn thành, nhưng 30 km đường nối 2 công trình không có đủ cát san lấp mặt bằng thì sẽ không hoàn thành, tạo nên nút thắt gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng", lãnh đạo Đồng Tháp nói.

Hàng loạt công trình giao thông miền Tây đình trệ vì ‘đói’ cát ảnh 1

 Các địa phương ở miền Tây đang siết chặt khai thác cát, khiến giá tăng 200-300% nhưng không đủ nguồn cung phục vụ các công trình hạ tầng giao thông. Ảnh: Cửu Long

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Tuấn phản ánh hiện nay tất cả những công trình của địa phương; các nhà thầu đều cho dừng thi công vì giá cát tăng 200-300%.

Giám đốc Công ty cổ phần BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Phan Anh Dũng cho biết: "Dự án này cần hơn 6 triệu khối cát san lấp.

Nhưng với mức độ tăng giá cát như hiện nay đã làm đội vốn hơn 600 tỷ đồng". Ông Dũng đề nghị quy hoạch nguồn cát ổn định mời đảm bảo tiến độ hoàn thành, thông xe kỹ thuật vào tháng 6/2020.

"Nếu Chính phủ không giải quyết vấn đề nguồn cung cát thì ách tắt trong xây dựng các công trình hạ tầng giao thông ở miền Tây có thể ách tắc kéo dài nhiều năm tới; không đáp ứng nhu cầu phát triển", Bí thư Sóc Trăng - Nguyễn Văn Thể nói và cho biết nếu thay cát san lấp bằng đá mi thì đội giá lớn. 

Trong phát triển hạ tầng giao thông miền Tây, ông Thể đề nghị Chính phủ có cơ chế nên ưu tiên số một cho tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vì có tác động rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội đồng bằng sông Cửu Long; nếu chậm trễ sẽ lãng phí lớn về thời gian, công sức.

"Trong tình trạng cát tăng giá mạnh, công trình đội vốn thì Chính phủ nên chịu phần này để các nhà đầu tư an tâm, bắt tay thực hiện", người đứng đầu Tỉnh uỷ Sóc Trăng đề xuất. 

Theo lãnh đao Cục quản lý xây dựng (Bộ Xây dựng) hiện tại các địa phương cấp phép khai thác cát chỉ đạt 45% nhu cầu sử dụng; 55% còn lại là “cát tặc”. Hiện chúng ta đang siết chặc cấp phép thì thiếu hơn nữa và đang khủng hoảng thiếu.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ khai thác cát cần được đảm bảo an toàn, phát triển bền vững.

Ông giao Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thành việc khảo sát, quản lý chặt chẽ việc nạo vét luồng hàng hải và đường thuỷ nội địa.

“Các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng phối hợp với các địa phương ở miền Tây rà soát quy hoạch khai thác cát sỏi, lòng sông, cửa sông; bổ sung, điều chỉnh khi cần thiết; làm cơ sở cho việc cấp phép khai thát cát, gắn với việc bảo vệ bờ sông biển, chống sạt lở”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thực hiện nghiêm việc chống khai thác cát bừa bãi, cát tặc làm ảnh hưởng đến dòng sông, bờ sông… gây thiệt hại tài sản của người dân…

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu ngay vật liệu thay thế cát san lấp mặt bằng.

Tin bài liên quan