Khu vực ẩm thực trong trung tâm thương mại Cresent Mall (quận 7, TP HCM) buổi trưa cuối tuần không còn náo nhiệt và đông đúc như trước.
Bên trong các nhà hàng, chỉ có vài bàn khách đang được phục vụ. Nhiều cửa hàng, nhà hàng cũng lần lượt chờ đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm.
Quản lý các cửa hàng tại đây cho biết, ngoài các cửa hàng nhỏ lẻ phải trả mặt bằng, các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi dù có tài chính vững cũng đang "gồng mình".
Nhiều bên phải đóng cửa bớt cơ sở kinh doanh do doanh thu giảm tới 50%, thậm chí nhiều chi nhánh báo lỗ.
Do ảnh hưởng của Covid-19, ngày 11/3, chuỗi thương hiệu thuộc Golden Gate bắt đầu đóng cửa một số điểm kinh doanh.
Trước tiên, họ tạm đóng 5 cửa hàng Gogi House tại Hà Nội gồm Gogi House Hàm Nghi, Trần Văn Lai, Vạn Phúc, Phó Đức Chính, Nguyễn Văn Lộc. Sau đó, chuỗi này sẽ đóng tiếp 7 cửa hàng thương hiệu Kichi-Kichi trong tổng số 22 nhà hàng của hệ thống tại Hà Nội.
Theo Golden Gate, quyết định đóng các cửa hàng được xem xét dựa trên các tiêu chí doanh thu và khu vực.
Thống kê hệ thống, doanh nghiệp thấy doanh thu của những cửa hàng này giảm mạnh, ước tính khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng giảm doanh thu mạnh, hệ thống Nhan Sushi tuyên bố tạm đóng ba cơ sở từ ngày 10/3 cho đến 24/3.
"Tôi luôn muốn nhìn khách bước vào nhà hàng với tâm thái thoải mái để thưởng thức ẩm thực chứ không phải nỗi lo lắng bệnh dịch khi chưa được kiểm soát như bây giờ", chủ nhà hàng này nói lý do tạm đóng cửa trên trang cá nhân.
Cùng với các chuỗi F&B trên, tại các khu vực gần trường học như Tây Sơn, Chùa Bộc, Cầu Giấy..., nhiều hộ kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ cũng phải đóng cửa vì không có khách khi học sinh, sinh viên nghỉ học.
Không chỉ Hà Nội - nơi vùng dịch lan rộng mà tại TP HCM, nhiều chuỗi F&B cũng trong cảnh "khổ trăm bề".
Tại đây, nhiều thương hiệu F&B đang loay hoay lựa chọn hướng đi, giải pháp trong mùa dịch.
Mới đây, thương hiệu gà rán Otoke Chicken quyết định đóng vài cửa hàng tại TP HCM bao gồm Singapore otoke chicken lucky plaza, Hàm Nghi (quận 1), Cresent mall (quận 7)...
Trao đổi với VnExpress, ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu 27 cửa hàng gồm 2 thương hiệu bánh Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken cho biết, đơn vị ông bị thiệt hại nặng khi doanh thu giảm 40-50%.
Trước tình cảnh này, doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho 5 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, công ty cắt giảm chi phí bằng cách thương lượng với chủ nhà giảm tiền thuê 20% trong 3 tháng, cắt một số nhân sự chính thức, giảm các chi phí không cần thiết khác.
"Cố gắng nhưng khi dịch bùng phát, chúng tôi buộc phải đóng cửa nhà hàng nào không hiệu quả để giảm lỗ. Song song đó, công ty cắt bớt giờ công của nhân viên, chủ động đàm phán tiếp thời gian trả tiền nhà, kéo giãn nhà cung cấp, chủ động thương lương với ngân hàng giảm lãi, giản thời gian trả nợ, thuế, bảo hiểm", ông Giang cho biết đây là giai đoạn 2 mà chuỗi F&B của ông đang làm.
Nếu dịch tiếp tục kéo dài, công ty ông có thể sẽ phải cắt giảm thêm 30% nhân sự, đóng cửa văn phòng, cho mọi người tự nguyện nghỉ hoăc làm việc tại nhà với mức lương giảm 30%.
Còn trường hợp xấu hơn có thể đóng cửa toàn bộ các nhà hàng nếu không có lãi và buộc phải tuyên bố phá sản.
Về phía Golden Gate, sau khi đóng cửa một số cửa hàng có doanh thu thấp, đơn vị này tìm cách vượt qua khó khăn bằng việc triển khai dịch vụ G- Delivery - giao hàng tận nhà với các combo nướng lẩu từ những thương hiệu nổi tiếng của họ để khách hàng an tâm với những buổi tiệc tại nhà.
Dịch vụ này cho khách hàng có thể mượn bếp nướng hay lẩu miễn phí.
Cũng đua nhau chuyển mình sang trực tuyến (online), nhiều nhà hàng tại Hà Nội, TP HCM cho biết, bước đầu đã có cải thiện.
Chị Phương Mai, chủ một nhà hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin, khoảng 2 tuần nay, chị đã "chuyển bại thành thắng" khi đưa vào dịch vụ đặt đồ ăn online, lượng đơn hàng đặt các phần lẩu từ 350.000 - 600.000 đồng tăng mạnh, nhất là vào cuối tuần.
Nhằm trấn an tâm lý khách hàng, một số đơn vị ăn uống kinh doanh còn áp dụng chương trình tặng các loại đồ uống có gừng, sả... để tăng sức đề kháng cho khách hàng.
Nhiều nhà hàng yêu cầu 100% nhân viên đeo khẩu trang khi làm việc, đo thân nhiệt trước khi vào ca, tiệt trùng các dụng cụ ăn uống ở nhiệt độ cao, bố trí sẵn nước rửa tay ngay cửa ra vào...
Đánh giá về thực trạng trên, TS. Lê Đạt Chí, chuyên gia kinh tế ở TP HCM cho hay, dịch bệnh đang khiến các doanh nghiệp F&B rơi vào vòng xoáy khó khăn không thể kiểm soát.
Bởi lẽ, Covid-19 không thể đoán trước nên doanh nghiệp rất khó có kế hoạch đối phó và họ chỉ xoay sở tạm thời vì không biết khi nào dịch bệnh hết. Nhiều doanh nghiệp muốn thay đổi để tồn tại nhưng đại dịch rất khó đoán.
"Đôi khi, việc tạm ngưng, đóng cửa một thời gian lại là giải pháp khôn ngoan trước tình thế chưa biết lối ra trong tương lai như thế nào", ông Chí nhìn nhận và cho rằng, riêng với một số đơn vị chuyển sang kinh doanh online chỉ là biện pháp tạm thời. Vì nếu không có chiến lược rõ ràng, doanh nghiệp cũng dễ vấp phải rủi ro về chi phí, đặc biệt trong giao nhận hàng hóa. Do đó, rất khó để đưa ra được một giải pháp tốt trong mùa đại dịch này cho ngành F&B.