Kinh doanh khởi sắc
Du lịch Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm nhất trong năm, đó là du lịch hè bắt đầu từ kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 đến giữa tháng 8. Dịp này, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh mẽ.
Chưa đến mùa cao điểm, các cảng hàng không trên cả nước đón đã gần 37 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 9,7 triệu lượt, tăng 976%; lượng khách trong nước đạt 27,2 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ.
Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, các hãng hàng không nội địa vận chuyển 18,2 triệu khách trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VietjetAir, mã chứng khoán VJC), năm 2023 mở ra triển vọng sáng cho ngành hàng không, doanh thu và lợi nhuận có khả năng tăng mạnh nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa, chính sách nới lỏng thị thực từng bước được áp dụng, đặc biệt là giá nhiên liệu bay được dự báo sẽ giảm 20 - 30% so với mức trung bình năm 2022. Bên cạnh đó, Chính phủ đang xem xét kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay và cho phép phụ thu xăng dầu, nếu kiến nghị được thông qua sẽ góp phần giúp các hãng hàng không phục hồi nhanh, tăng năng lực cạnh tranh với các hãng bay quốc tế.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán ACV) thống kê, tổng sản lượng hành khách mà ACV phục vụ trong 4 tháng đầu năm 2023 là 36,4 triệu; trong đó, khách quốc tế hồi phục lên mức 77 - 78% năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 xảy ra). Dự báo, đến cuối năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 30 triệu, bằng 80% năm 2019.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra ngày 9/5, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV nhận định, năm 2024, lượng khách nội địa sẽ vượt năm 2019, lượng khách quốc tế hồi phục lên mức bằng hoặc vượt năm 2019. Đây là tiền đề thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của ACV.
Quý I/2023, kết quả kinh doanh của ACV khởi sắc trên nền phục hồi của thị trường hàng không, doanh thu đạt 4.728 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.635 tỷ đồng, lần lượt tăng 124% và 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
ACV đặt kế hoạch năm 2023 đạt sản lượng thông qua 21 cảng hàng không là 118 triệu lượt khách, tăng 20%; hạ cất cánh 777 nghìn lượt, tăng 17%; doanh thu 19.360 tỷ đồng, tăng 22%; lợi nhuận trước thuế 8.488 tỷ đồng, tăng 12% so với mức thực hiện năm ngoái.
Với các doanh nghiệp hàng không, kết quả kinh doanh quý I/2023 tăng trưởng mạnh sau thời gian dài khó khăn bủa vây.
Báo cáo tài chính riêng lẻ của VietjetAir ghi nhận quý đầu năm 2023 đạt doanh thu vận chuyển hàng không 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, lần lượt tăng 286% và 320% so với cùng kỳ năm 2022. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu đạt 12.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 173 tỷ đồng.
VietjetAir cho biết, trong quý đầu năm 2023, doanh nghiệp đã thực hiện 31,3 nghìn chuyến bay, tăng 57% và vận chuyển 5,4 triệu lượt khách, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. VietjetAir đã mở thêm 10 đường bay mới, gồm 4 đường bay nội địa và 6 đường bay quốc tế, nâng tổng số đường bay tính đến cuối quý I/ 2023 lên 55 đường bay nội địa và 50 đường bay quốc tế.
Bên cạnh việc mở rộng mạng bay, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ, VietjetAir chú trọng triển khai các chương trình tối ưu và kiểm soát chi phí hoạt động; trong khi đó, giá nhiên liệu bay bắt đầu điều chỉnh, giúp doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Tương tự, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) bắt đầu có lãi trước thuế, sau thời gian dài thua lỗ. Cụ thể, doanh thu quý I năm nay đạt 23.494 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế ghi nhận 19 tỷ đồng, trong khi giai đoạn 2020 - 2022 thường xuyên lỗ hàng ngàn tỷ đồng mỗi quý.
Vietnam Airlines cho hay, quý I/2023, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116%; trong đó, doanh thu nội địa tăng 76,5%, doanh thu quốc tế tăng 618,5% so với cùng kỳ. Tổng công ty đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch. Từ ngày 20/5/2023, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay mới giữa Hà Nội, TP.HCM và Mumbai (Ấn Độ).
Nhìn lại năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt 55 triệu lượt khách, bằng 69,6% năm 2019. Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt 43,2 triệu khách (tăng 15,6% so với năm 2019), vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (bằng 27% năm 2019). Tuy nhiên, lợi nhuận trong năm qua của các doanh nghiệp hàng không là con số âm, do giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục.
Sản lượng hành khách nội địa giai đoạn 2019 - 2022 và dự báo 2023. |
Sản lượng hành khách quốc tế giai đoạn 2019 - 2022 và dự báo 2023. Đơn vị: triệu lượt (nguồn BSC). |
Mở rộng đội tàu bay
Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cho biết, nắm bắt cơ hội phục hồi của thị trường hàng không trong nước nói riêng và quốc tế nói chung, việc nhanh chóng gia tăng quy mô đội tàu bay và nguồn lực khai thác được hãng ưu tiên hàng đầu.
Vietravel Airlines vừa hoàn tất thủ tục ký kết hợp đồng thuê tàu bay với đối tác Cambodia Airways của Campuchia, dự kiến sẽ đón tàu bay Airbus A319 vào ngày 20/5/2023, nâng tổng số tàu bay của hãng lên 4 chiếc, sau đó đón thêm 2 tàu trong tháng 7, hoàn thiện đội tàu bay theo đúng kế hoạch khai thác trong năm 2023.
Với VietjetAir, ngày 5/5/2023 đã đón thêm một tàu bay mới là Airbus A321, mang số hiệu VN 527. Nhận định 2023 là năm tăng trưởng mạnh của ngành hàng không và du lịch, VietjetAir đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn để hướng tới những kết quả cao hơn trong các quý tiếp theo. Hãng dự kiến sẽ tăng đội tàu bay từ 75 chiếc lên 87 chiếc, khai thác 139.513 chuyến bay, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách trong năm 2023.
VietjetAir đã mở các đường bay quốc tế mới từ Việt Nam đến Ấn Độ, Kazashtan và Úc, khai thác những điểm đến mới tại những thị trường đang khai thác hiệu quả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…