Cụ thể vào ngày 30/10/2023, HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Vietjet đã ban hành Nghị quyết số 42-23/VJC-HĐQT-NQ về việc thông qua phương án phát hành riêng lẻ 3.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tổng số lượng trái phiếu phát hành là 30.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị phát hành là 3.000 tỷ đồng.
Mục đích phát hành để thực hiện chương trình chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay và các chi phí khác.
Kỳ hạn phát hành 60 tháng, là loại hình trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
Lãi suất cố định 10,5%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ tính lãi còn lại sẽ tính lãi suất bằng tổng của biên độ 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu. Lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi trả sau cá nhân bình quân 12 tháng được công bố bởi 4 ngân hàng TMCP gồm Vietcombank; HDBank; Vietinbank; BIDV.
Kỳ thanh toán gốc thanh toán một lần vào thời điểm đáo hạn và kỳ thanh toán lãi 06 tháng một lần vào ngày thanh toán lãi hoặc ngày đáo hạn, ngày đến hạn khác để thực hiện mua lại.
Trái phiếu phát hành được phép mua lại sau 12 tháng kể từ thời điểm phát hành hoặc thực hiện mua lại theo quy định pháp luật hiện hành.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2023, tại báo cáo tài chính công ty mẹ doanh thu đạt 13.548 tỷ đồng tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 579 tỷ đồng, tăng trưởng 175% so với cùng kỳ năm ngoái lỗ 767 tỷ đồng.
Tại kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu 14.235 tỷ đồng và lãi sau thuế 55 tỷ đồng, tăng tương ứng 23% và 30% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietjet đạt doanh thu 43.738 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, tăng 2%.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, VJC cho biết trong quý III/2023, doanh thu vận tải hàng không và hợp nhất của Vietjet tăng 32% và 23% so với cùng kỳ nhờ vào tăng trưởng mạnh của doanh thu vận chuyển khách quốc tế, hoạt động phụ trợ và vận chuyển khách theo chuyến, đạt lần lượt 201%, 26% và 60%.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 76,5 nghìn tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1,5 lần và chỉ số thanh khoản 1,4 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.
Vietjet đã mở mới 7 đường bay quốc tế và là hãng hàng không đầu tiên có đường bay kết nối Việt Nam với 5 thành phố lớn nhất Australia gồm Perth, Adelaide, Brisbane, Melbourne, Sydney, nâng tổng số đường bay lên 125.
Hãng cho biết đã ghi nhận thành công các khoản thuê mua tài chính 3 tàu bay A321NEO thế hệ mới trị giá 156 triệu USD với Công ty Castlelake và khoản vay PDP 550 triệu USD với Công ty Carlyle Aviation Parthners cho các tàu Boeing và Airbus trong năm 2024, 2025.