Từ ngày 1/1/2025, các chuyến bay khởi hành từ châu Âu đều phải sử dụng một tỷ lệ nhiên liệu hàng không bền vững (SAF)
Chủ động thích ứng
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trên các chuyến bay từ châu Âu.
Theo đó, từ ngày 1/1/2025, tất cả chuyến bay của Hãng khởi hành từ các sân bay châu Âu đều sử dụng SAF. Các chuyến bay này sẽ sử dụng nhiên liệu SAF với tỷ lệ ít nhất 2%. Tỷ lệ này sẽ tăng dần lên lên 6%, 20%, 70% tương ứng vào các năm 2030, 2035, 2050.
Đối với các chuyến bay khởi hành từ nước Anh, Vietnam Airlines cũng sử dụng SAF với tỷ lệ ít nhất 2% từ năm 2025 và nâng dần lên 10%, 22% tương ứng các năm 2030, 2040.
“Đây là bước tiến mới, khẳng định vị thế tiên phong của Hãng hàng không quốc gia trong hành trình xanh hóa, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Việc này cũng sẽ mang lại cho hành khách những trải nghiệm bay không chỉ đảm bảo chất lượng dịch vụ, mà còn đặc biệt thân thiện với môi trường, qua đó giúp tạo ra một tương lai bền vững hơn cho ngành hàng không”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Trước đó, Vietnam Airlines đã thực hiện thành công chuyến bay sử dụng nhiên liệu SAF mang số hiệu VN660, hành trình từ Singapore đến Hà Nội ngày 27/5/2024. Qua đó, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay chở khách thương mại.
Cần phải nói thêm rằng, việc sử dụng SAF vừa là sự chủ động của Vietnam Airlines trong việc chung tay cùng ngành hàng không thế giới giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nhưng cũng vừa để thực hiện quy định mang tính bắt buộc về phát triển bền vững liên quan đến lĩnh vực hàng không (ReFuel EU Aviation) được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 10/2023.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2025, nhiên liệu máy bay được nạp tại các sân bay EU phải chứa ít nhất 2% SAF. Tỷ lệ SAF sẽ tăng dần lần lên 6%, 20% và 70% vào các năm 2030, 2035 và 2050.
Các hãng hàng không khởi hành từ các sân bay EU, bất kể điểm đến, phải sử dụng SAF để vận hành chuyến bay.
Các hãng hàng không EU được đánh giá chịu bất lợi nhiều nhất bởi có trụ sở ở EU, tất cả các chuyến bay đi đều khởi hành từ các sân bay tại EU. Các hãng hàng không ngoài EU, trong đó có Vietnam Airlines, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi bay đến châu Âu, bởi ở chặng về khởi hành từ các sân bay của EU, nếu cần phải tiếp thêm nhiên liệu, thì nhiên liệu được nạp tại các sân bay của EU sẽ có giá thành cao hơn bình thường do phải chứa một tỷ lệ nhất định nhiên liệu SAF.
Được biết, giá SAF hiện nay cao hơn từ 2 đến 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, thậm chí có thời điểm cao gấp 5 đến 6 lần. Điều này khiến chi phí khai thác các đường bay đến - bay đi từ châu Âu của Vietnam Airlines sẽ tăng thêm khoảng 4,8 triệu USD mỗi năm khi sử dụng nhiên liệu SAF.
Hiện Vietnam Airlines chưa thông báo về việc sẽ tiến hành phụ thu đối với hành khách và hàng hóa, nhưng đã có khá nhiều hãng bay quốc tế phải áp dụng biện pháp này khi sử dụng nhiên liệu SAF để giảm gánh nặng tài chính.
“Điều này khiến chi phí vận hành các đường bay từ châu Âu về Việt Nam của Vietnam Airlines tăng cao, khiến giá thành sản phẩm tăng, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường châu Âu”, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Gánh nặng tài chính
Được biết, ngoài ReFuel EU Aviation, các hãng bay Việt Nam đang khai thác đường bay quốc tế còn phải tham gia Kế hoạch giảm và bù đắp carbon trong các chuyến bay quốc tế (CORSIA) của ICAO. Dự kiến giai đoạn tự nguyện từ ngày 1/1/2026; giai đoạn bắt buộc từ ngày 1/1/2027.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, với chi phí mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải phát ra khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ ngày 1/1/2026 tới hết năm 2026, thì chi phí thấp nhất mà Vietnam Airlines phải bỏ ra là hơn 13 triệu USD (với giá tín chỉ là 6 USD) và cao nhất là hơn 92 triệu USD (với giá tín chỉ là 40 USD).
Như vậy, trong năm 2026, do chịu tác động của cả ReFuel EU và CORSIA giai đoạn tự nguyện, Vietnam Airlines sẽ phải chi thêm ít nhất 11,6 triệu USD (290 tỷ đồng). Các hãng hàng không Việt Nam khác như Vietjet hay Bamboo Airways cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí đáng kể do tác động từ CORSIA.
Tham gia CORSIA tương đương với việc Nhà nước Việt Nam tham gia một hiệp định quốc tế. Do đó, đây không chỉ là trách nhiệm của các hãng hàng không Việt Nam, mà cần sự chung sức, đồng lòng, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu SAF; cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…
“Điều này nhằm bảo đảm cho việc Việt Nam sẽ tham gia đúng với cam kết và trách nhiệm của một quốc gia có uy tín với bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam, an ninh, an toàn hàng không và lợi ích chính đáng của các hãng hàng không Việt Nam”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam nói.
Bản chất SAF hay Jet A-1 đều là một hỗn hợp nhiều thành phần hydro carbon khác nhau. Theo đó, SAF có các đặc tính vật lý, hóa học, thành phần giống hệt với các đặc tính của nhiên liệu truyền thống Jet A-1 và chúng có thể được trộn an toàn với nhiên liệu Jet A-1 ở các mức độ khác nhau, sử dụng cùng một cơ sở hạ tầng cung cấp hiện tại và không yêu cầu phải điều chỉnh máy bay hoặc động cơ.
Thay vì khai thác dầu thô từ lòng đất và tinh chế để làm nhiên liệu phản lực, các nhà sản xuất SAF sử dụng những gì có sẵn, nghĩa là không khai thác thêm tài nguyên từ lòng đất. SAF được tạo ra từ nhiều loại nguyên liệu đầu vào. Một số ví dụ về nguyên liệu đầu vào bao gồm dầu thải như dầu ăn đã qua sử dụng; chất thải lâm nghiệp và nông nghiệp; thực vật phát triển nhanh như tảo; chuyển đổi chất thải rắn đô thị (rác thải túi đen) thành SAF.
Ngoài ra, các công nghệ mới đang được phát triển và có nhiều tiềm năng như sản xuất SAF từ nguồn carbon thu giữ từ khí quyển. Thu khí trực tiếp sẽ kéo carbon dioxide (CO2) từ không khí, loại bỏ oxy, sau đó kết hợp với hydro để tạo thành nhiên liệu hydro carbon. Có thể nói, đây chính là tương lai của ngành hàng không bền vững.