"Hàng không và du lịch đa phần mạnh ai nấy làm, không có cơ chế chia sẻ rủi ro"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi thảo luận về vấn đề giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều người dân khó tiếp cận và ngành du lịch gặp khó.
"Hàng không và du lịch đa phần mạnh ai nấy làm, không có cơ chế chia sẻ rủi ro"

Người TP Hồ Chí Minh bay vòng qua Thái Lan để ra Hà Nội

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập tới ý kiến của cử tri về câu chuyện giá vé máy bay nội địa liên tục tăng thời gian qua; trung bình 13 - 25% trong những tháng đầu năm 2024, nhất là các dịp lễ, tết, hè hoặc sự kiện quan trọng.

“Rất nhiều cử tri đặt câu hỏi tại sao giá vé máy bay nội địa khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam?”, bà Phúc nói.

Lấy ví dụ chặng bay từ Hà Nội đến Côn Đảo, bà Phúc dẫn kiến nghị từ cử tri cho biết, kể từ khi hãng hàng không Bamboo Airways dừng bay thì giá vé tăng cao và tìm kiếm cũng rất khó.

Từ đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho hay, cử tri, nhân dân mong muốn Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Kiến nghị giải pháp, bà Phúc đề nghị:

Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, để hoạt động này "quay về bản chất thực của nó"; không còn râm ran trong dư luận câu chuyện có hay không việc độc quyền, ghim vé máy bay để dẫn tới khan hiếm, bán giá cao khi người dân có nhu cầu.

Thứ hai, cần có chính sách thu hút đầu tư hạ tầng hàng không, thay vì chỉ có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để kiểm soát, hạn chế tối đa sự chồng chéo thuế, phí, dẫn tới giá vé máy bay tăng cao.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ ba, đề nghị cân nhắc, xem xét lại quy định về giá sàn, giá trần đối với giá vé máy bay nội địa.

"Giá vé máy bay tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội (cụ thể là ngành du lịch và nhu cầu đi lại của người dân), mà còn tác động ngược trở lại sự phát triển của chính ngành hàng không", đại biểu nhấn mạnh.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 23/5, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, giá vé máy bay từ Nội Bài - TP Hồ Chí Minh và ngược lại hiện tăng quá cao.

“Người dân muốn bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhiều khi phải bay qua Thái Lan rồi mới bay về Hà Nội, vì rẻ hơn”, bà Thanh cho biết.

Phân tích thêm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là: Thiếu tính cạnh tranh; chi phí bảo trì bảo dưỡng ở nước ngoài cao, khi phần lớn máy bay của Việt Nam phải ra nước ngoài bảo trì, bảo dưỡng...

Theo vị này, cần phải có chính sách cụ thể để giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay có tính chất ổn định, như vậy ngành Du lịch mới giữ được khách.

Đề xuất gói hỗ trợ hàng không, du lịch

Cũng phản ánh vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, giá vé máy bay tăng cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Đại biểu dẫn chứng, so với đường bay tương đương, ở Thái Lan rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ví dụ, đi từ Bangkok đến Phuket, chặng bay 869 km có giá vé 768.000 đồng. Trong khi đó, từ Hà Nội đi Đà Nẵng chỉ có 757 km thì giá vé của Vietjet là 1.112.000 đồng, còn Vietnam Airlines là 1.508.000 đồng...

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phân tích nguyên nhân, ông Sơn cho rằng, ngành hàng không Việt Nam vẫn thiếu tính cạnh tranh; chi phí bảo trì, bảo dưỡng máy bay cao và thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch...

"Hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch đa phần vẫn mạnh ai nấy làm, lợi ai người ấy hưởng, không có cơ chế chia sẻ rủi ro, ông Sơn nhận xét và nhấn mạnh, giá vé máy bay cao, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, hàng không và ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Theo vị đại biểu, ngành du lịch và hàng không cần hợp tác chặt chẽ, đưa ra các sản phẩm khuyến mãi, giúp giảm giá vé máy bay. Về lâu dài, Việt Nam cần đầu tư trung tâm bảo dưỡng máy bay để hạ chi phí dịch vụ lĩnh vực này.

Đáng lưu ý, đại biểu Sơn đề nghị có gói hỗ trợ hàng không, du lịch để có những giảm giá. Đơn cử như hỗ trợ phí dịch vụ ở các sân bay (vốn chiếm 10-30% giá vé).

Liên quan đến giá vé máy bay, báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận, tình trạng giá vé máy bay tăng cao tác động tiêu cực đối với tăng trưởng du lịch nội địa.

Điều này thể hiện rõ qua dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, khi các địa phương hưởng lợi từ hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc như Thanh Hóa đón lượng khách tăng cao kỷ lục, trong khi địa phương phụ thuộc chủ yếu đường hàng không như Phú Quốc ghi nhận khách nội địa giảm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế, theo khảo sát, thuế, phí các hãng hàng không thu hộ chiếm 10-30% tổng chi phí vé máy bay và gần như không đổi trong thời gian qua.

Trong đó, các hãng thu hộ ngân sách Nhà nước thuế giá trị gia tăng, đây là khoản Bộ Tài chính quản lý. Còn các loại phí, như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước. Phí soi chiếu an ninh được áp dụng cố định ở mức 20.000 đồng (gồm thuế giá trị gia tăng) mỗi hành khách người lớn, 10.000 đồng với trẻ em.

Thuộc lĩnh vực Bộ Tài chính phụ trách, ông Phớc cho biết, Bộ này chỉ thu thuế giá trị gia tăng 8-10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không. Những khoản này chiếm tỷ lệ ít trong giá vé máy bay.

"Chúng ta cần hiểu các loại phí mọi người nói chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... do ngành giao thông quản lý", người đứng đầu ngành Tài chính giải thích.

Tin bài liên quan