Công suất toàn bộ các sân bay của Việt Nam cộng lại mới bằng một sân bay lớn nhất ở Bangkok (Thái Lan), Changi (Singapore) cũng như Kuala Lumpur (Malaysia).
Công suất 22 sân bay chỉ bằng một sân bay của Thái Lan
Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch cấp cao Việt Nam lần thứ hai năm 2019 diễn ra đầu tuần này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thông tin rằng, 80% hành khách du lịch Việt Nam đi bằng đường hàng không, góp phần giúp du lịch Việt Nam trong những năm qua đạt tốc độ tăng trưởng gấp đôi giai đoạn 2015 - 2018 và 11 tháng đầu năm tăng hơn 15% so với cùng kỳ.
Đó là những con số đáng mừng, song ông Khánh cũng thể hiện sự quan ngại: “Một trong những hạn chế hiện nay là các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang... quá tải, nhiều thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu. Hạ tầng hàng không quá tải không chỉ là nút thắt cho chính ngành này, mà còn là điểm nghẽn của ngành kinh tế xanh”.
Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines cho biết, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào vận hành sân bay Phú Quốc và sân bay Vân Đồn, còn lại hầu hết được nâng cấp từ sân bay quân sự trên những quỹ đất hạn chế, khiến khả năng mở rộng rất ít.
“Hiện Việt Nam có 22 sân bay, trong khi Thái Lan có 38. Công suất của toàn bộ sân bay Việt Nam khoảng 80 triệu lượt khách mỗi năm, chỉ bằng một phần ba của Thái Lan. Công suất toàn bộ các sân bay của Việt Nam cộng lại mới bằng một sân bay lớn nhất ở Bangkok (Thái Lan), Changi (Singapore) cũng như Kuala Lumpur (Malaysia)”, ông Nam dẫn chứng.
Tạo động lực xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không
Thừa nhận thực trạng trên, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tắc nghẽn không riêng tại khu bay, mà đường tiếp cận vào sân bay cũng quá tải, điển hình là sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, việc phát triển và mở rộng sân bay vệ tinh là cần thiết, nhưng tồn tại hiện nay là chính sách còn chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. “Cần có chính sách đồng bộ, nếu muốn gỡ nút thắt hàng không”, ông Cường nhấn mạnh.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần hai có quy mô 2.000 khách tham dự, có chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh" do Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và báo VnExpress tổ chức.
Trước phiên toàn thể, Diễn đàn đã có 4 chuyên đề chính, gồm: "Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách", "Cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách", "Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến", "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch".
Về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần khai thác hiệu quả nhất hạ tầng hiện có. Hiện 4 sân bay quốc tế bắt đầu có dấu hiệu quá tải, trong đó Tân Sơn Nhất đã quá tải. Với các sân bay còn lại, Việt Nam đang có điều kiện khai thác tốt hơn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Stefano Bortoli, CEO của ATR gợi ý: “Việt Nam nên tối ưu hóa công suất nhàn rỗi của các sân bay nhỏ bằng cách sử dụng các máy bay ATR nhỏ, tiết kiệm năng lượng để không cần đầu tư nhiều”.
Là nhà đầu tư hàng không vào hệ sinh thái du lịch, ông Chu Việt Cường, thành viên HĐQT Vietjet đề nghị, cần xã hội hoá mạnh hơn để tư nhân tham gia phát triển, huy động vốn cho hạ tầng. Hiện nhiều quốc gia như Australia, Anh, Mỹ... cho tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng hàng không và một số sân bay tại Australia, Thái Lan cho tư nhân quản lý vận hành đạt chất lượng rất tốt.
“Chúng ta không nên chỉ chăm chăm chờ vốn nhà nước trong đầu tư hạ tầng hàng không. Cho phép tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng sẽ giúp giải bài toán đầu tư này”, ông Cường nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lương Hoài Nam cho biết, Việt Nam đề cập xã hội hoá hạ tầng sân bay từ 10 năm nay, nhưng chuyển hoá thành dự án thực tế chưa nhiều. Việc mở rộng nhà ga thứ ba Tân Sơn Nhất loay hoay vài năm nay, cuối cùng đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Hay sân bay Long Thành cũng được đề xuất giao ACV, trong khi trước đó đã có chủ trương xã hội hóa đầu tư sân bay này.
Bổ sung về vấn đề xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, ông Võ Huy Cường nhìn nhận, hiện chưa có tổng kết rõ ràng về hiệu quả các dự án này. Một số sân bay, cảng hàng không đã được xã hội hoá như Vân Đồn, Cam Ranh... nhưng muốn mở rộng thêm lại vướng. “Cơ chế, hệ thống pháp lý hiện nay đã đủ hấp dẫn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư hay chưa? Chúng ta phải chỉ ra và gỡ điểm nghẽn này để nghĩ tới tháo nút thắt lớn hơn”, ông Cường nhấn mạnh.
Du lịch tăng trưởng ấn tượng nhưng cũng bộc lộ nhiều áp lực
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và có ảnh hưởng lớn tới các ngành khác như hàng không, bất động sản, thương mại - dịch vụ. Năm 2019, du lịch chứng kiến nhiều bước tăng trưởng ấn tượng, nhưng cũng bộc lộ nhiều áp lực, thách thức đối với Chính phủ, các bộ, ngành, cùng các doanh nghiệp, vì sự tăng trưởng nóng chưa đi kèm với các yếu tố bền vững và hiệu quả. Bài toán nâng cao năng suất lao động, ứng dụng các nền tảng công nghệ, liên kết và hợp tác theo chuỗi, tăng cường trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường là những vấn đề rất nóng trong nhiều ngành, nhưng với du lịch, dịch vụ và hàng không càng quan trọng hơn.