Ngành hàng không đang trong tình trạng thiếu máy bay

Ngành hàng không đang trong tình trạng thiếu máy bay

Hàng không hồi phục ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành hàng không sau khi gặp khủng hoảng vì dịch Covid-19 đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong ba tháng đầu năm 2024, nhờ số lượng khách và giá vé tăng cao.

Điểm nhấn mảng khai thác bay quốc tế

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) sau 16 quý kinh doanh liên tiếp thua lỗ đã ghi nhận lãi lớn trong quý I/2024. Cụ thể, trong quý đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất 27.964 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.441 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 37,3 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty quyết liệt triển khai các giải pháp trong điều hành hoạt động kinh doanh như tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay, nguồn nhân lực, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giá dịch vụ, lãi suất… Đặc biệt, sự hồi phục ấn tượng của mảng khai thác bay quốc tế cùng với yếu tố mùa vụ cao điểm theo quy luật thị trường hàng năm là nhân tố chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2024.

Trong quý I/2024, doanh thu vận tải hàng không quốc tế của Vietnam Airlines đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ trọng đóng góp của mảng bay quốc tế vào doanh thu vận tải hàng không đạt 65%, gấp 3 lần so với vùng đáy năm 2021; tỷ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế tiệm cận mức trước đại dịch, đang rất gần với mức của quý I/2019.

Ngoài ra, việc công ty con là Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp Vietnam Airlines ghi nhận khoản mục thu nhập khác tăng đột biến, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý I/2024.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã chứng khoán VJC) duy trì kết quả kinh doanh có lãi trong giai đoạn khủng hoảng của ngành hàng không vì đại dịch Covid-19, ngoại trừ mức lỗ 93 tỷ đồng trong quý IV/2021.

Quý I/2024, Vietjet Air đạt doanh thu hợp nhất 17.792 tỷ đồng, tăng 38%; lợi nhuận sau thuế 539 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ năm 2023.

Vietjet Air cho hay, doanh thu quý đầu năm 2024 tăng mạnh do hoạt động vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa diễn ra sôi động, Công ty đã mở mới gần 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140, trong đó có 103 đường bay quốc tế và 37 đường bay quốc nội. Theo đó, lợi nhuận gộp vận tải hàng không tăng 64%, đạt gần 1.800 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 10%.

Tương tự Vietnam Airlines, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietjet Air trong quý I/2024 ghi nhận đột biến chủ yếu nhờ mảng vận tải hành khách quốc tế tăng trưởng mạnh, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình gia tăng doanh thu phụ trợ và tối ưu chi phí hoạt động.

Đối với Công ty cổ phần Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), sau thời gian dài kinh doanh thua lỗ đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế 10,1 tỷ đồng trong quý I/2024, khi doanh thu đạt 491,2 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu của Công ty trong quý II/2024 là đạt doanh thu 1.049 tỷ đồng.

Hiện Vietravel Airlines đang mở rộng mạng bay, tần suất bay trong nước và quốc tế; thực hiện các chuyến bay charter trong chuỗi seri charter cùng Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán VTR), với sứ mệnh kết nối điểm đến và ẩm thực bản địa như chuyến bay charter TP.HCM - Takamatsu (Nhật Bản); Đà Nẵng - Fukushima (Nhật Bản) và chiều ngược lại.

Hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam này đã xây dựng kế hoạch bay hè 2024 với các điểm đến và các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, đồng thời mở rộng mạng bay charter quốc tế đến Thái Lan, Trung Quốc (bao gồm Đài Loan), Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua kế hoạch bay kết hợp cùng Vietravel.

Trong khi Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines hồi phục tích cực thì Hãng hàng không Bamboo Airways vẫn chưa vượt qua khó khăn sau thời gian tái cấu trúc, thu hẹp quy mô hoạt động, dừng khai thác nhiều đường bay nội địa và quốc tế.

Cổ phiếu “cất cánh”

Trong 4 tháng đầu năm 2024, có gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước, với 83,7% đến bằng đường hàng không.

Kết quả kinh doanh tích cực của nhiều doanh nghiệp ngành hàng không đã được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu nhóm này trên sàn chứng khoán.

Trong đó, cổ phiếu HVN tăng trần hai phiên liên tiếp ngày 3/5 và 6/5, sau đó tăng thêm 3,5% trong phiên 7/5/2024, với tổng mức tăng 3 phiên là 18,2%, đạt 20.450 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất 3 năm qua. Trong cùng khoảng thời gian, giá cổ phiếu VJC tăng hơn 14%, đạt 118.600 đồng/cổ phiếu.

Để có được kết quả kinh doanh tăng trưởng, các hãng hàng không đã rất nỗ lực, thích ứng linh hoạt với tình hình thị trường. Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc hồi phục sau dịch Covid-19 không như kỳ vọng, Vietjet Air khẩn trương mở mới các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2023, góp phần mở ra dư địa tăng trưởng cho ngành du lịch và đầu tư giữa hai nước.

Bước sang năm 2024, Vietjet Air nỗ lực kết nối Việt Nam với thế giới bằng việc mở mới các đường bay quốc tế gồm Phú Quốc - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), TP.HCM - Thành Đô, Tây An (Trung Quốc), TP.HCM- Viêng Chăn (Lào), các đường bay từ Hà Nội đến Hiroshima (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Úc).

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Vietjet Air là khai thác an toàn 142.000 chuyến bay, vận chuyển 27,4 triệu hành khách, doanh thu vận tải hàng không đạt 59.066 tỷ đồng và doanh thu hợp nhất đạt 65.566 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 12,4% so với năm 2023.

Ngành hàng không đang có các tín hiệu tích cực, nhưng được nhận định sẽ còn đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2024. Khó khăn lớn nhất chính là việc các hãng hàng không phải trả lại máy bay, làm giảm năng lực vận chuyển.

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 2/5/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, trong đó số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165 - 170 chiếc. Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu tàu bay là do nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney triệu hồi động cơ PW1100 trên toàn thế giới, trong đó tại Việt Nam, Vietnam Airlines phải tạm dừng khai thác 20 máy bay và Vietjet Airs tạm dừng khai thác 22 máy bay. Việc đưa động cơ đi sửa chữa dự kiến sẽ kéo dài trong năm 2024 - 2025.

Để xử lý tình trạng thiếu hụt máy bay và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt.

Nhìn về triển vọng dài hạn, ngành hàng không có dư địa tăng trưởng khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nước và quốc tế dần tăng cao cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch và hoạt động giao thương. Đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành hàng không trong thời gian tới là sự phục hồi các chuyến bay quốc tế, một số hãng khai thác đường bay mới.

Trước tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, Cục Hàng không Việt Nam vừa có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không. Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra việc bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay trong giai đoạn từ ngày 1/1/2024 đến 4/5/2024 và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.

Cục Hàng không sẽ kiểm tra, đánh giá việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không, việc chấp hành quy định pháp luật và hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định pháp luật, phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về hoạt động bán vé máy bay, kê khai, niêm yết giá vé máy bay (nếu có), qua đó đề xuất khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp.

Tin bài liên quan