Tín hiệu tích cực
Đích thân ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham gia chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), được tổ chức vào giữa tuần này.
Sự kiện này không chỉ đặc biệt đối với việc giải quyết vấn đề dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh cho Hãng hàng không quốc gia, mà còn là gói hỗ trợ tài chính lớn đầu tiên của Chính phủ được giải ngân cho một doanh nghiệp với mục tiêu duy nhất là vượt qua những tác động tiêu cực của Covid-19.
Theo hợp đồng tín dụng vừa được ký kết, SeABank sẽ cho Vietnam Airlines vay 2.000 tỷ đồng, dự kiến giải ngân một phần trong tháng 7/2021. Trong khi đó, MSB và SHB sẽ cho Vietnam Airlines vay 1.000 tỷ đồng/ngân hàng với những điều kiện giải ngân tương tự SeABank.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.
Được biết, khoản tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng dưới hình thức cho vay tái cấp vốn này nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ở chiều ngược lại, việc gói hỗ trợ trị giá 12.000 tỷ đồng chính thức được kích hoạt cũng đã mang lại niềm tin rất lớn cho các đối tác, bạn hàng, nhà cung cấp để có thể tiếp tục đồng hành với Vietnam Airlines trong chặng đường trụ vững, tiến tới phục hồi trong 1 - 2 năm tới.
Đối với khoản tín dụng 4.000 tỷ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân. Hãng tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đến hơi muộn so với kế hoạch ban đầu, nhưng khoản tín dụng 4.000 tỷ đồng này sẽ giúp Hãng hàng không quốc gia giảm bớt một phần sức ép về việc thanh toán các khoản nợ quá hạn đến từ các đơn vị cho thuê tàu bay nước ngoài; các dịch vụ thiết yếu khác như nhiên liệu bay, suất ăn; đồng thời tránh không làm đứt gãy dòng tiền cho đến khi thị trường hàng không nội địa phục hồi trở lại.
Cần phải nói thêm rằng, từ đầu năm 2021 đến nay, Covid-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo. Hai đợt dịch bùng phát đúng vào dịp cao điểm Tết và ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đã tác động tiêu cực đến hoạt động vận tải hàng không, đẩy các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines lún sâu vào tình trạng thua lỗ và thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng. Trong khi các đường bay quốc tế vẫn chưa thể nối lại thì thị trường hàng không trong nước tiếp tục đón nhận thêm “cơn cuồng phong mới”, khi từ đầu tháng 7 đến nay, hàng loạt các đường bay đi/đến TP.HCM đã phải tạm dừng để phòng chống Covid-19.
Trước tình hình sản xuất, kinh doanh liên tục lỗ lớn, nguy cơ âm vốn chủ sở hữu đã hiện hữu, Vietnam Airlines đã đặt ưu tiên hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ, đồng thời thực hiện các giải pháp cân đối dòng tiền để đảm bảo khả năng hoạt động liên tục và khả năng thanh toán.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn, Vietnam Airlines đang rốt ráo triển khai các thủ tục để hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô phát hành 8.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2021. Dự kiến số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ sử dụng để chi trả nợ vay ngắn hạn, các khoản nợ phải trả quá hạn chưa thanh toán và bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh cho Tổng công ty.
Nỗ lực tự thân
Việc Vietnam Airlines tiếp nhận được gói hỗ trợ tín dụng từ Chính phủ đã mang lại cơ hội nhận được “phao cứu sinh” cho các hãng hàng không nội địa khác, nhất là khi Chính phủ đang xem xét triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, trong đó các doanh nghiệp hàng không là đối tượng ưu tiên hàng đầu.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Chính phủ đang xem xét các kiến nghị của Bộ GTVT liên quan đến việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021; giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 (không tính lãi chậm nộp).
Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không về việc dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 4%, thời hạn 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển.
“Năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết và hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5 và 6, doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020), khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao”, ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết.
Trong khi chờ sự trợ giúp từ bên ngoài, bản thân các hãng hàng không trong nước cũng đang mạnh tay thực hiện giải pháp tự thân để triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi phí kinh doanh.
Đối với Hãng hàng không quốc gia, trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng cả trong và ngoài nước, ngay từ đầu năm 2020, cùng với việc tinh gọn bộ máy, giảm tối đa tầng nấc trung gian, Vietnam Airlines đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía đối tác, chủ động đánh giá tính ưu tiên đối với các đề án, dự án, nội dung hoạt động để dừng thực hiện hoặc giãn/hoãn thời gian triển khai, cắt giảm tiết kiệm các khoản chi đảm bảo hoạt động. Trong năm 2021, Vietnam Airlines đặt mục tiêu cắt giảm chi phí thông qua các giải pháp tự thân, đàm phán với đối tác là 6.858 tỷ đồng, trong đó đã đưa vào kế hoạch định hướng đầu năm khoảng 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đang tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan để kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ giảm giá đến hết năm 2021, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh năm 2021 là 4.128 tỷ đồng, bao gồm: 3.388 tỷ đồng giảm do chính sách khấu hao; 315 tỷ đồng chi phí điều hành bay, hạ cất cánh trong nước; 394 tỷ đồng giảm thuế bảo vệ môi trường và 31 tỷ đồng các chính sách về phí bảo lãnh Chính phủ, lưu kho ngoại quan.
“Với các giải pháp đã triển khai thực hiện, tổng chi phí cắt giảm năm 2021 dự kiến đạt được khoảng 10.986 tỷ đồng, trong đó các giải pháp tự thân, đám phàn với đối tác là 6.858 tỷ đồng, còn lại là từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đang đẩy mạnh kế hoạch bán tàu bay A321CEO sản xuất giai đoạn 2004, 2007, 2008 vừa để gia tăng, cân đối dòng tiền, vừa theo đuổi kế hoạch nâng cấp đội tàu bay thân hẹp - đội tàu bay chủ lực của hãng hiện nay với trên khoảng 70 chiếc. Hãng cũng đang xem xét kế hoạch bán tàu ATR72 đến 12 năm tuổi và đưa tàu bay phản lực khu vực (RJ) vào khai thác trong ngắn hạn để tăng cường cạnh tranh trên các chặng ngắn.
Trong khi đó, để đảm bảo chuẩn bị nguồn lực phát triển an toàn và hiệu quả khi thị trường quay trở lại, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Vietjet cũng đã thông qua và giao HĐQT quyết định phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành chào bán cổ phần riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ và phương án phát hành trái phiếu quốc tế 2021-2022 trị giá 300 triệu USD.
Bên cạnh các nỗ lực tự thân được triển khai trước đó như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa; tối ưu chi phí vận hành, phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa (cargo)… nếu thực hiện thành công việc tăng vốn điều lệ sẽ cho phép Vietjet nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục phát triển bền vững.
“Mục tiêu của tất cả các giải pháp tự thân nói trên là vừa tiết kiệm, vừa để có thêm dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cứu trợ từ bên ngoài sẽ không có ý nghĩa nếu tự thân chúng tôi không tự nỗ lực quẫy đạp để tồn tại trước”, lãnh đạo một hãng bay cho biết.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, với 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ hè, đặc biệt từ ngày 31/5/2021 khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15/CT-TTg, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không đã sụt giảm nghiêm trọng với sản lượng hàng ngày sụt giảm chỉ còn 20 - 30% so với giai đoạn tháng 3-4/2021, thậm chí, các ngày của 2 tuần đầu tháng 6 chỉ tương ứng 5 - 10% lượng vận chuyển trung bình tháng 4/2021.
Sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt hành khách, giảm 19,4% so cùng kỳ 2020 (trong đó chỉ có 145.000 lượt khách quốc tế, giảm 97,9%) và 668.000 tấn hàng hóa, tăng 12,7% so cùng kỳ 2020.