"Nói về ưu điểm của việc có nhiều hãng bay thì tất nhiên là về lựa chọn và về giá cả cạnh tranh, còn về nhược điểm thì tôi chưa nhìn ra", Wuttichai Natapong, một người trẻ sống tại Chiang Mai (Thái Lan), chia sẻ với Zing.vn.
Nếu cần tìm một quốc gia làm ví dụ điển hình về việc hàng không giá rẻ áp đảo hàng không truyền thống, có lẽ Thái Lan là lựa chọn phù hợp hơn cả.
5 hãng dẫn đầu đều là hãng bay giá rẻ
Theo số liệu từ FlightGlobal, Thái Lan, một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh và năng động nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, vẫn đang phát triển ổn định ở mức 8% dù dân số không quá lớn trong khi có tới 38 hãng bay cạnh tranh nhau.
Trong số này, chỉ riêng 4 hãng là Thai AirAsia, Nok Air, Thai Airways và Bangkok Airways đã nắm hơn một nửa thị trường hàng không Thái. Và càng đặc biệt hơn khi trong 5 hãng bay dẫn đầu thị trường, có tới 4 hãng vận hành theo mô hình hàng không giá rẻ.
Bốn cái tên đó là Thai AirAsia với 29,5% thị phần, tiếp sau là Nok Air với 20,3%, Thai Lion Air với 18,7%, Bangkok Airways với 11% và Thai Smile với 10,5%. Tổng thị phần của các hãng bay giá rẻ này chiếm tới 88%.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Thai Airways do Bộ Tài chính Thái Lan nắm giữ 51% cổ phần chỉ chiếm thị phần nội địa khiêm tốn ở mức 9,1%.
Không chỉ áp đảo hàng không truyền thống về thị phần, các hãng hàng không giá rẻ còn có kết quả kinh doanh khởi sắc. Lấy Thai AirAsia làm ví dụ, tổng doanh thu năm 2016 của hãng bay giá rẻ này lên tới 32,4 tỷ baht (934 triệu USD) và lợi nhuận ròng năm 2016 đạt 3,4 tỷ baht (98 triệu USD), tăng 71% so với năm 2015.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Thai Airway đã phải đóng cửa đường bay Bangkok-Los Angeles, chấm dứt hiện diện đã kéo dài 35 năm tại thị trường Mỹ. Los Angeles và Rome là hai điểm đến đã khiến Thai Airway lỗ 3 triệu USD trong năm 2016.
Thời điểm năm 2014, hãng này thông báo khoản lỗ ròng 445 triệu USD năm 2014, nâng núi nợ của Thai Airways lên con số 5,9 tỷ USD, cao nhất trong số các hãng hàng không Đông Nam Á.
Hết năm 2016, tình hình vẫn tồi tệ với Thai Airways khi tổng nợ của hãng lên tới con số 7,6 tỷ USD, gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu vào thời điểm đó.
Hàng không giá rẻ ưu việt hơn?
Yếu điểm của các hãng hàng không truyền thống vẫn luôn nằm ở việc không thể tối ưu hóa bộ máy vận hành. Các hãng này dựa nhiều vào nguồn vốn vay để mua máy bay trong khi các chi phí khác không được tiết kiệm triệt để.
Trong khi có doanh thu lớn gấp 4 lần Thai AirAsia, Thai Airways vẫn chật vật để sinh lời. Doanh thu 181 tỷ baht chỉ có thể sản sinh ra 47 triệu baht lợi nhuận, một hiệu suất rất thấp.
Bloomberg từng trích lời một chuyên gia khẳng định "đội bay của Thai Airways đang cũ kỹ, thiếu hiệu quả và tốn kém".
Lợi nhuận không nhiều, lại thường xuyên phải trả lãi vay, các hãng bay truyền thống như Thai Airways khó có kết quả kinh doanh ấn tượng. Chính hãng này cũng phải thành lập một hãng hàng không giá rẻ khác để "thích nghi" bên cạnh nhiệm vụ gánh vác trọng trách của một hãng hàng không quốc gia.
Thai Smile, hãng bay giá rẻ được thành lập bởi Thai Airways, ra đời với nhiệm vụ duy nhất là đảo ngược tình hình tại những đường bay đang không thể sinh lời của công ty mẹ. Hãng này đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 là khoảng 10 tỷ baht.
Dù Thai Smile đang có kết quả kinh doanh khả quan hơn so với Thai Airways, không thể khẳng định rằng mô hình hàng không giá rẻ là vượt trội hơn.
Trong năm 2016, theo số liệu của New Airport Insider, có ít hơn 5 hãng giá rẻ trong khu vực Đông Nam Á hiện sinh lời trong tổng số khoảng 24 hãng. Với các hãng hàng không truyền thống, con số này là khoảng 10 hãng trong tổng số 40 hãng. Tỷ lệ này chênh lệch không nhiều giữa hai mô hình kinh doanh hàng không.
Để có được kết quả kinh doanh ấn tượng trên, các hãng bay giá rẻ hàng đầu Thái Lan đã phải ra sức thống trị thị trường. Khi miếng bánh thị trường không đủ lớn, mô hình hàng không giá rẻ cũng không thể sinh lời và trong vài năm trở lại đây, nhiều hãng giá rẻ của Thái Lan đã phải đóng cửa, điển hình là Business Air năm 2015 hay SGA Airlines năm 2014.