Kết quả vận chuyển của ngành hàng không Việt Nam tháng 10/2021. Đồ họa: Đan Nguyễn

Kết quả vận chuyển của ngành hàng không Việt Nam tháng 10/2021. Đồ họa: Đan Nguyễn

Hàng không đợi cú hích từ đường bay ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Không phải các gói hỗ trợ, mà lộ trình cụ thể cho việc mở lại đường bay thương mại chở khách quốc tế thường lệ mới là điều mong đợi nhất của các hãng hàng không Việt Nam.

Lo lỡ cơ hội

“Chúng tôi không mong gì hơn là các cơ quan quản lý nhà nước sớm thông qua lộ trình khôi phục các đường bay quốc tế. Việc mở lại thị trường hàng không quốc tế không chỉ giúp kết nối thông thương, mà còn tạo điều kiện cho các hãng bay có thêm doanh thu, phục hồi nhanh hơn”, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sau khi Cục Hàng không Việt Nam đệ trình kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế có chở khách lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tuần trước.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, Hãng đang thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ chiều đi sang các nước châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng chưa được thực hiện chiều về. Các chuyến bay chở khách nhập cảnh đều là chuyến bay công vụ hoặc chở công dân về nước.

Nếu không sớm thực hiện việc mở lại các đường bay quốc tế thì sẽ lỡ mất cơ hội cạnh tranh điểm đến. Nhiều nước xung quanh Việt Nam kiểm soát dịch tốt đã mở hẳn.

Ông Tuấn cho rằng, việc mở lại các đường bay quốc tế, nếu không thực hiện sớm sẽ lỡ mất cơ hội cạnh tranh điểm đến. Nhiều nước xung quanh Việt Nam kiểm soát dịch tốt đã mở hẳn, thậm chí không cần tiêm 2 mũi vắc-xin, mà chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính là được nhập cảnh.

“Lộ trình mở lại các đường bay quốc tế mà Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo cấp có thẩm quyền cần được đẩy sớm hơn đối với với những đường bay đến thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, đều là các khu vực kiểm soát dịch tốt”, ông Tuấn đề nghị.

Khẳng định sự cần thiết phải mở lại đường bay quốc tế, tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines cho rằng, quan trọng nhất là phải có một kế hoạch tổng thể để phát triển nền kinh tế do Chính phủ ban hành.

“Đang xuất hiện tình trạng 2 tỉnh sát nhau, có cùng một tình trạng dịch, nhưng lại áp dụng 2 chính sách phòng dịch khác nhau. Như thế, nếu có cho mở lại đường bay quốc tế đón khách du lịch cũng rất khó khả thi”, ông Kỳ nói.

Đây đã là lần thứ ba trong vòng 1 năm trở lại đây, kế hoạch mở lại các đường bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trình lên cấp có thẩm quyền.

Vào đầu tháng 6/2021, Cục Hàng không Việt Nam từng kiến nghị mở lại một số đường bay quốc tế thường lệ vào đầu quý IV/2021. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đổ bể do Covid-19 bùng phát trên diện rộng và độ phủ vắc-xin tại địa phương dự kiến đón khách du lịch quốc tế là Phú Quốc rất thấp.

Cần phải nói thêm rằng, vào cuối năm 2019, các đường bay quốc tế đã mang lại khoảng 40% doanh thu và 50% lợi nhuận cho các hãng bay Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường hàng không quốc tế đã gần như bị đóng băng suốt 2 năm qua do tác động của Covid-19. Trong tháng 10/2021, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế do các hãng bay Việt Nam thực hiện chỉ đạt 10.000 lượt khách, giảm 39,8% so với tháng 10/2020 và chỉ bằng khoảng 3% so với tháng 10/2019.

Không riêng các hãng hàng không Việt Nam đang phấp phỏng chờ kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế, nhiều hãng hàng không nước ngoài cũng đang xếp hàng để được thực hiện các đường bay hai chiều thường lệ.

Vào đầu tuần trước, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể quan tâm xem xét hỗ trợ cho Singapore Airlines sớm mở lại các đường bay chở khách thường lệ hai chiều đến Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngay sau khi hai nước chính thức công nhận “hộ chiếu vắc-xin” của nhau.

Lộ trình 4 bước

Theo đề xuất mở lại hoạt động bay quốc tế có chở khách được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT để chuẩn bị nội dung tham dự cuộc họp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với các địa phương, bàn về phương án đón khách du lịch quốc tế trong tình hình mới, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị mở lại thị trường theo 4 bước.

Trong đó, giai đoạn I sẽ bắt đầu ngay từ quý IV/2021, với việc khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo); đối tượng là công dân Việt Nam với thị trường dự kiến triển khai là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.

Hình thức triển khai được đề xuất là các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) tổ chức chuyến bay trên cơ sở văn bản đồng ý của địa phương cho tiếp nhận cách ly tập trung có thu phí tại cơ sở cách ly do địa phương phê duyệt với chi phí trọn gói gồm: vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly và ăn uống trong 7 ngày (đối với chuyến bay chở toàn bộ hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, hoặc có chứng nhận khỏi bệnh Covid-19) hoặc 14 ngày (đối với chuyến bay khác), phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly.

Các cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay là Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và các cảng hàng không khác (trên cơ sở đồng ý của UBND các tỉnh/thành phố có điều kiện tiếp nhận hành khách đến từ các cảng hàng không trên).

“Tần suất khai thác các chuyến bay này là theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương và chỉ được cấp phép bay sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị.

Giai đoạn II từ tháng 1/2022, với nhiều quy định được nới lỏng sẽ bắt đầu bằng các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam, mà không yêu cầu có văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của các cơ quan chức năng (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế).

Thị trường triển khai thực hiện ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường an toàn khác không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tần suất ban đầu là 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Giai đoạn III dự kiến triển khai từ tháng 4/2022 với các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam, không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đối tượng tham gia chuyến bay trong giai đoạn này là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19. Thị trường triển khai thực hiện sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không; tần suất ban đầu là 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.

Hành khách sau nhập cảnh phải cài đặt, khai báo điện tử theo ứng dụng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 đến 7 ngày (theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

Trong giai đoạn IV, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu từ tháng 7/2022, đối tượng tham gia chuyến bay là công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng. Thị trường triển khai thực hiện sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không; tần suất khai thác không hạn chế, theo nhu cầu của các hãng hàng không.

Đồng thuận với lộ trình nói trên, ông Đặng Anh Tuấn cho rằng, kế hoạch mở lại bay quốc tế của Việt Nam cũng nên theo hình thức xem xét từng thị trường, chưa nên mở cửa ồ ạt và cần thực hiện từ nay đến cuối năm, tránh đứt đoạn thị trường quá lâu, đánh mất nhiều cơ hội.

“Với khách nhập cảnh, ngoài quy định tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, xét nghiệm âm tính, nếu tại những vùng dịch cao có thể quy định cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn. Cách ly quá dài ngày thì khách sẽ không muốn bay đến Việt Nam”, đại diện Vietnam Airlines đề xuất.

Tin bài liên quan