Vietnam Airlines đã ứng dụng thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử đối với một số chuyến bay đi châu Âu và cả nước ngoài về Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+).

Vietnam Airlines đã ứng dụng thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử đối với một số chuyến bay đi châu Âu và cả nước ngoài về Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+).

Hàng không có cơ hội mở cửa bầu trời với 'hộ chiếu sức khỏe điện tử'

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam có thể mở lại ngay thị trường hàng không và du lịch nội địa, nhất là khi số người tiêm đủ hai mũi vaccine ngày càng nhiều.

Trong thời gian qua một số hãng hàng không Việt Nam đã áp dụng “hộ chiếu sức khỏe điện tử” với hành khách bay đạt kết quả tích cực được nhìn nhận là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, chính thức công nhận cơ chế “hộ chiếu vaccine,” tạo đà mở cửa bầu trời.

Chìa khóa mở cửa biên giới

Hiện tại, trên thế giới đã có nhiều nước thành công trong việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” như Israel, Anh, Nga, Australia, Trung Quốc, khu vực EU... Thực tế cho thấy “hộ chiếu vaccine” đã mang đến chức năng nối lại giao thương, thúc đẩy phục hồi kinh tế và thiết lập trạng thái bình thường mới.

Từ tháng 6/2021, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Vietnam Airlines bắt đầu ký kết hợp tác triển khai thử nghiệm “hộ chiếu sức khỏe điện tử” (IATA Travel Pass). Đến nay, đã có 2 chuyến bay từ Việt Nam đi Nhật Bản và châu Âu; 1 chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam được thử nghiệm “hộ chiếu vaccine.”

Cụ thể, vào lúc 13 giờ 30 chiều ngày 4/9, sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã đón chuyến bay đầu tiên từ Nhật Bản thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế. Toàn bộ hành khách trên chuyến bay đáp ứng đủ 2 điều kiện bao gồm phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh); có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận.

Theo ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc sân bay quốc tế Vân Đồn, các chuyến bay đưa khách quốc tế về Việt Nam áp dụng hình thức nói trên sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng phạm vi hơn nữa tới những người có nhu cầu đi lại thực sự. Đó là những đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới có nguyện vọng hồi hương, các doanh nhân, đội ngũ chuyên gia... Thậm chí, tiến tới khôi phục dần các đường bay trong nước, nối lại giao thương khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

“Điều này cũng phù hợp với lộ trình từng bước thích ứng với điều kiện ‘bình thường mới,’ vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động giao thương, kinh tế," ông Sáu kỳ vọng.

Theo ông Vũ Nguyễn Khôi, Trưởng ban Tiếp thị và chuyển đổi số Vietnam Airlines, IATA Travel Pass đang trong quá trình thử nghiệm và liên tục được IATA thay đổi, nâng cấp để phù hợp với từng thị trường. Kết quả thử nghiệm hiện tại cho thấy dấu hiệu khả quan, ứng dụng chạy trơn tru, kết nối thông tin giữa khách, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không không gặp vấn đề nào.

“Đây là ứng dụng an toàn, đảm bảo thông tin nhất quán giữa Chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến,” ông Khôi nói.

Ông Trương Phương Thành, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng trong bối cảnh hiện nay, “hộ chiếu vaccine” được đánh giá là cơ sở vững chắc và đáng tin cậy bậc nhất để tái thiết hoạt động giao lưu, giao thương giữa các ngành kinh tế đồng thời cũng là lựa chọn lý tưởng và thực tiễn nhất để khơi thông trở lại hoạt động du lịch và giao lưu nhân dân giữa các vùng lãnh thổ.

Hiện, Bamboo Airways đã và đang phối hợp chặt chẽ với IATA, nhà chức trách và các đơn vị thành viên để triển khai áp dụng thử nghiệm hộ chiếu vaccine đã sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm ngay từ quý 4 tới.

Mong sớm triển khai thí điểm tại Việt Nam

Trong khi chờ mở cửa hàng không, du lịch quốc tế, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam có thể mở lại ngay thị trường hàng không và du lịch nội địa, nhất là khi số người tiêm đủ hai mũi vaccine ngày càng nhiều. “Hộ chiếu sức khỏe điện tử” đã trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết để “hộ chiếu sức khỏe điện tử” có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia cũng như liên kết hệ thống một cách toàn diện, việc này đòi hỏi phải có sự thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.

“Hiện tại, Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai ‘hộ chiếu sức khỏe điện tử’ cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh ở nước ta,” lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử đã trở thành xu thế đi lại toàn cầu trước dịch COVID-19 và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. (Ảnh: CTV/Vietnam+).
Ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử đã trở thành xu thế đi lại toàn cầu trước dịch COVID-19 và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. (Ảnh: CTV/Vietnam+).

Để thực hiện được mục tiêu bắt đầu đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” từ tháng 10/2021 hoặc muộn nhất quý 4/2021, Vietnam Airlines đề nghị cơ quan chức năng ưu tiên việc tiêm vaccine tại Phú Quốc, đảm bảo tối thiểu 70% người dân sớm được tiêm đủ 2 mũi.

Cùng đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành chính thức hướng dẫn đối với việc sử dụng “hộ chiếu vaccine,” quy định cách ly đối với khách du lịch quốc tế đủ điều kiện đến du lịch Phú Quốc và các điểm du lịch khác; có cơ chế để hành khách nội địa đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đến du lịch tại Phú Quốc trong giai đoạn thí điểm.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng cần phải có một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về triển khai “hộ chiếu vaccine.”

Theo ông Cường, “hộ chiếu vaccine” cần phải có sự thống nhất, nghiên cứu thấu đáo và khi đưa việc ứng dụng phần mềm vào sử dụng phải đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân, chống giả mạo; chi phí sử dụng phần mềm đó là miễn phí hay có thu phí, đừng để các phần mềm “hộ chiếu vaccine” trở thành gánh nặng cho xã hội, cụ thể ở đây tức là người sử dụng - các hãng hàng không và những người tham gia di chuyển bằng đường hàng không.

“Từ nay đến 30/9, nếu giảm bớt được số ca lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới bỏ giãn cách xã hội và tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng cao, Việt Nam có thể từng bước quay trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ. Sau đó, khi có ‘hộ chiếu vaccine,’ từng bước mở lại hoạt động đi lại quốc tế,” ông Cường kỳ vọng.

Tin bài liên quan