Lượng khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm chỉ tương đương 73,5% cùng kỳ năm 2019.

Lượng khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm chỉ tương đương 73,5% cùng kỳ năm 2019.

Hàng không chưa thể bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nửa đầu năm nay, lượng khách nội địa cao hơn so với năm trước đại dịch, song các hãng hàng không vẫn gặp khó khăn do thị trường quốc tế phục hồi chậm.

Thị trường quốc tế chưa đạt kỳ vọng

Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổng thị trường vận tải hành khách qua đường hàng không trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 34,7 triệu lượt khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách nội địa đạt 20 triệu lượt, dù giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Khách quốc tế đạt 14,7 triệu lượt, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ tương đương 73,5% cùng kỳ năm 2019.

Dịp cao điểm hè năm 2023 (tính từ 1/6-2/9), thị trường hàng không nội địa Việt Nam dự báo tăng 7 - 10% so cùng kỳ năm 2019, với sản lượng khoảng 3,5 - 3,7 triệu khách/tháng trong tháng 6, tháng 8 và từ 4,2 - 4,5 triệu lượt khách vào tháng 7.

Về triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá thị trường hàng không nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm 2019, tuy nhiên mức độ tăng trưởng sẽ giảm dần vào các tháng cuối năm.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hàng không nội địa phục hồi tích cực, còn thị trường hàng không quốc tế chưa đạt kỳ vọng.

“Mục tiêu phấn đấu quý III/2023 phục hồi hoàn toàn, nhưng thực tế quá trình phục hồi có thể kéo dài so với dự kiến. Đây cũng là câu chuyện chung của thị trường hàng không thế giới”, ông Thắng nói.

Hiện các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 66 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác, với trên 650 chuyến bay mỗi ngày. Với thị trường hàng không quốc tế, Việt Nam tập trung vào các thị trường trọng yếu là Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, cả ba thị trường này đang suy giảm lượng khách vì những lý do riêng. Cụ thể, với thị trường Nga, do xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, các hãng hàng không Việt Nam đang dừng tuyến vận tải này.

Trung Quốc, thị trường 1,4 tỷ dân, từng được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho các hãng hàng không Việt Nam khi mở cửa trở lại, nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy.

Chính sách khuyến khích người dân du lịch nội địa của Trung Quốc đã khiến dòng khách của quốc gia này đến Việt Nam giảm hẳn so với trước đại dịch. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 30% so với trước đại dịch. Nhật Bản, vốn là thị trường rất lớn của Việt Nam, nhưng khi lạm phát, đồng Yên mất giá mạnh, người dân cũng hạn chế ra nước ngoài.

Thị trường quốc tế - vốn đóng góp trung bình khoảng 60% doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không Việt Nam, như ước tính của ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines - gặp nhiều khó khăn, thách thức sẽ ảnh hưởng lớn tới đà phục hồi chung của các hãng hàng không.

Các hãng hàng không nỗ lực vượt khó

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Giao thông Vận tải vừa qua, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines thông tin, có một hãng hàng không lớn đang nộp đơn xin Chính phủ bảo hộ phá sản. Ngay lập tức, trên thị trường xuất hiện suy đoán hãng hàng không này có thể là Bamboo Airways, bởi gần đây, Hãng lộ ra khoản lỗ lớn và nợ vay cao.

Cụ thể, tính đến hết năm 2022, Bamboo Airways lỗ lũy kế hơn 19.300 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 830 tỷ đồng. Nợ phải trả của Công ty ở thời điểm cuối năm 2022 là 18.844 tỷ đồng; trong đó, tổng nợ vay là 10.623 tỷ đồng, tăng 5.830 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là tăng các khoản nợ vay ngắn hạn.

Bamboo Airways sau đó đã lên tiếng khẳng định hãng vẫn đang hoạt động bình thường và tiếp tục nỗ lực tái cấu trúc. Dù vậy, sức khỏe tài chính suy yếu nghiêm trọng của các hãng hàng không, trong đó có Bamboo Airways, là điều không thể phủ nhận.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Tổng công ty ước đạt 45.255 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kế hoạch khoảng 1.000 tỷ đồng. Song, con số lợi nhuận lại không được tiết lộ.

Tính đến cuối năm 2022, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có ba năm liên tục thua lỗ nặng. Đến thời điểm này, Vietnam Airlines chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và từ ngày 12/7/2023, cổ phiếu HVN đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Vietnam Airlines cho thấy, dù doanh thu và lợi nhuận trong quý tăng trưởng đột biến, nhưng thực tế, lợi nhuận sau thuế hợp nhất vẫn âm 37 tỷ đồng (so với con số âm 2.685 tỷ đồng của cùng kỳ). Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023, Tổng công ty có khoản lỗ lũy kế lên tới 34.303 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ghi nhận con số âm 10.239 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, ngày 1/7/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách tham dự đại hội cổ đông thường niên Vietnam Airlines (dự kiến tổ chức vào ngày 30/8). Tuy nhiên, mới đây, Vietnam Airlines đã hủy ngày đăng ký cuối cùng trên với lý do cần thêm thời gian để chuẩn bị. Hiện hãng chưa có tiết lộ ngày họp chính thức.

Tái cấu trúc tình hình tài chính, tái cấu trúc hoạt động là nhiệm vụ trọng tâm của các hãng hàng không. Như tại Bamboo Airways là những thay đổi lớn về nhân sự cấp cao cùng với biến động trong cơ cấu cổ đông. Còn tại Vietnam Airlines mới đây là việc thông báo bán đấu giá 3 máy bay dòng Airbus A321 sản xuất năm 2007 trong quý III, với mức giá khởi điểm hơn 118 tỷ đồng/tàu bay.

Tại Hãng hàng không Du lịch Việt Nam (Vietravel Airlines), trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng tổng số chuyến bay thực hiện lên 48%, tổng số giờ bay tăng 55,1%, tổng số ghế tăng 43,3% và tổng số hành khách tăng 42,7% so với cùng kỳ 2022. Hãng đã mở đường bay từ TP. HCM và Hà Nội đến các thành phố du lịch lớn như Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn và phát triển các chuyến bay thuê chuyến đến thị trường quốc tế là Daegu (Hàn Quốc) và Ma Cao (Trung Quốc).

Vietravel Airlines cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2023, hãng sẽ đón thêm tàu bay thứ 5, dự kiến đưa vào khai thác từ giữa tháng 8/2023, đồng thời tiếp tục mở rộng mạng lưới bay nội địa và quốc tế trong năm nay. Thị trường mục tiêu hãng nhắm đến là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã VJC) hiện chưa có thông tin về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023. Hãng tập trung khai thác các đường bay quốc tế mới. Nổi bật là Ấn Độ và mới đây là Úc.

Ngày 4/6, Vietjet công bố mở đường bay thẳng đầu tiên kết nối TP.HCM với Brisbane - thành phố lớn thứ ba của Úc.

Tin bài liên quan