Miniso - thương hiệu đến từ Nhật Bản ít nhiều đã khuấy động thị trường bán lẻ tại Thủ đô. Ảnh: Hải Yến

Miniso - thương hiệu đến từ Nhật Bản ít nhiều đã khuấy động thị trường bán lẻ tại Thủ đô. Ảnh: Hải Yến

Hàng giá 2 USD đại náo sàn bán lẻ Việt

Với sự đa dạng của hàng hóa được thiết kế bắt mắt, trong khi, hơn 50% trong số hơn 10.000 sản phẩm được bày bán chỉ với giá 2 USD, thương hiệu Miniso đang gây bão trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Miniso phục vụ… 90% dân số Việt Nam!

Ngày 10/9 vừa qua, chuỗi cửa hàng bán lẻ thương hiệu Miniso đến từ Nhật Bản đã khai trương cùng lúc 3 cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Cả 3 cửa hàng đều chọn những địa điểm đẹp,  trên các con phố sầm uất là Thái Hà, Hàng Ngang và tòa nhà Indochina Tower, (quận Cầu Giấy).

Sự kiện này ít nhiều đã khuấy động thị trường bán lẻ tại Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ, khi họ là đối tượng tiêu dùng chính được nhắm tới của hơn 10.000 sản phẩm Miniso đem đến Việt Nam.

Sản phẩm kinh doanh chính của Miniso bao gồm: đồ gia đình, mỹ phẩm, phụ kiện thời trang, túi xách, đồ dùng cá nhân, phụ kiện kỹ thuật số, thực phẩm…

Điều đáng nói, trong số hàng ngàn đầu sản phẩm của Miniso bán tại Việt Nam, hơn 50% có giá chỉ 2 USD, tức là khoảng dưới 50.000 đồng.

Để củng cố thêm cho người tiêu dùng về mức giá hợp lý, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, ông Miyake Jyunya, Chủ tịch sáng lập Miniso chia sẻ: “Thương hiệu thực hiện chính sách một giá trên quy mô toàn cầu. Do phần thiết kế, sản xuất hoàn toàn do công ty quản lý nên việc giữ không tăng giá trong nhiều năm liền được đảm bảo. Trên thế giới chỉ có 10% người giàu có thể mua hàng mà không bao giờ phải nghĩ tới giá cả, Miniso muốn mang đến những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ 90% khách hàng còn lại trên thế giới”.

Các thiết kế của Miniso chủ yếu hướng đến việc ứng dụng các xu thế thời trang vào các sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày: sản phẩm làm đẹp, đồ ăn, vật dụng văn phòng, thiết bị điện tử, phụ kiện thời trang, quần áo lót nam nữ.

Mặc dù có những thông tin trái chiều về xuất xứ Nhật Bản hay Trung Quốc, nhưng hơn chục ngày qua, tại các điểm bán của Miniso, luôn chứng kiến cảnh khách hàng nườm nượp vào, ra. Có lẽ với mức giá thấp, cộng với thiết kế gian hàng bắt mắt nên đã tạo ra sức hấp dẫn đáng kể với những khách hàng trẻ tuổi.

Được giới thiệu là thương hiệu Nhật Bản, nhưng trên website của Miniso tại Việt Nam đã khẳng định: “Hơn 80% sản phẩm của Miniso đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và các quốc gia khác.”

Thành lập năm 2013, từ sự kết hợp của nhà thiết kế Nhật Bản Miyake Jyunya và nhà điều hành từ Trung Quốc, ông Ye Guofu, Chủ tịch Quỹ đầu tư SaiMan, Miniso đã sớm gia nhập câu lạc bộ thương hiệu tỷ USD. Thiết kế được đảm trách bởi chính Nhà sáng lập Miyake Jyunya. Ê - kíp của ông gồm hàng chục nhà thiết kế đã từng làm việc tại các công ty danh tiếng như ADIDAS, IKEA, TUPPERWARE.

Miniso đã trở thành biểu tượng thành công mới tại châu Á, khi có tới 1.600 điểm bán tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ sau 3 năm phát triển. Ông Ye Guofu đồng sáng lập Miniso tiết lộ, Miniso dự định sẽ nâng số lượng cửa hàng trên toàn thế giới lên con số 6.000 và doanh thu 6 tỷ USD.

Trong chiến lược phát triển của Miniso, ông Miyake Junya nhấn mạnh, Việt Nam được xem như cầu nối với thị trường Đông Nam Á - thị trường 630 triệu dân của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

 “Lần này vào Việt Nam, Miniso sẽ khám phá nhu cầu cuộc sống chất lượng của người tiêu dùng, thúc đẩy vị thế cạnh tranh hạt nhân của thị trường bán lẻ Việt Nam, để người tiêu dùng Việt Nam thực sự trải nghiệm sản phẩm tốt, sáng tạo, giá hợp lý của Miniso”, ông nói thêm.

Hàng giá 2 USD đại náo sàn bán lẻ Việt  ảnh 1

 Miniso đã trở thành biểu tượng thành công mới tại châu Á, khi có tới 1.600 điểm bán tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ sau 3 năm phát triể

Ai đưa Miniso vào Việt Nam?

Miniso đã đến Việt Nam bằng cách nào? Theo công bố, thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng ứng dụng thời trang Nhật - Miniso có mặt tại Việt Nam bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu bởi Tập đoàn Lê Bảo Minh.

Phóng viên Báo Đầu tư đã điện thoại và gửi email với bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch Tập đoàn Lê Bảo Minh về sự nghi ngại đối với chất lượng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc và băn khoăn của người tiêu dùng về tỷ lệ hàng hóa được sản xuất tại Nhật Bản được Miniso bán tại Việt Nam, nhưng rất tiếc, chúng tôi đã không nhận được phản hồi.

Theo công bố, Tập đoàn Lê Bảo Minh sẽ đưa thương hiệu này tại Việt Nam 12 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM và 4 tỉnh, thành vào cuối năm nay.

Trên thế giới chỉ có 10% người giàu có thể mua hàng mà không bao giờ phải nghĩ tới giá cả, Miniso muốn mang đến những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ 90% khách hàng còn lại trên thế giới.

Có thể, từ đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân và luôn cập nhật xu hướng thế giới, đồng thời, Việt Nam được nhận định là một trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng bán lẻ nhanh nhất châu Á, đã khiến Tập đoàn Lê Bảo Minh đã ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu Miniso từ tháng 4/2016. Xu hướng tiêu dùng chuộng hàng  Nhật Bản lâu nay đã ăn sâu trong tâm trí người Việt, nên sự xuất hiện của Miniso tại Việt Nam hẳn nhiên được đông đảo người tiêu dùng chào đón, tuy nhiên. Nhưng, sự chưa rõ ràng về xuất xứ của thương hiệu Miniso vẫn đang là mối quan tâm, thậm chí trong một chừng mực nào đó mối quan tâm đó đã chuyển sang thành mối quan ngại của không ít người tiêu dùng.

Bởi, ngay tại thị trường nội địa Nhật Bản, trong khi một số thương hiệu có số lượng cửa hàng rộng khắp, như UNIQLO với 846 cửa hàng, Muji có 312 cửa hàng, Daiso có 2.900 cửa hàng… thì Miniso chỉ vẻn vẹn có 4 cửa hàng tại Tokyo, và đặc biệt, dù “có tới hơn 1.400 cửa hàng trên toàn cầu”, nhưng đại đa số là tại Trung Quốc. Vậy đâu là sự thật cần thiết cho người tiêu dùng Việt Nam?

Thêm một chi tiết rất dễ gây nhầm lẫn trong bối cảnh xu thế ưa chuộng hàng Nhật Bản là hình ảnh logo của Miniso khiến nhiều người liên tưởng đến sự lắp ghép giữa các hãng bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản là Daiso, Uniqlo và Muji.

Ở góc độ thị trường, không ít chuyên gia bán lẻ nhận định, thương hiệu Miniso có những ưu thế nhất định khi vào thị trường Việt Nam. Trước hết, như giới thiệu, thì đây là thương hiệu đến từ Nhật Bản. Thêm nữa, mô hình kinh doanh thành công của Miniso trên toàn cầu cũng tiếp thêm động lực cho những đơn vị đưa thương hiệu này vào Việt Nam.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, Miniso lần lượt ký với 36 quốc gia và khu vực, trong đó bao gồm những quốc gia/vùng lãnh thổ có sức tiêu thụ mạnh và tiêu chuẩn hàng hóa ngặt nghèo như Nga, Đài Loan, Mexico, Australia, Canada, Mỹ… đã khiến số lượng cửa hàng của nhà bán lẻ này tăng lên nhanh chóng.

Hiện tại, ở Malaysia đã có 3 cửa hàng, Singapore có 20 cửa hàng, Hồng Kông có 40 cửa hàng… mỗi cửa hàng đều nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng, với tốc độ phát triển như vậy, đối với ngành bán lẻ toàn cầu điều hiếm thấy.

Tuy nhiên, tương lai của Miniso tại Việt Nam sẽ ra sao, quả là khó nói trước, bởi những trong kinh doanh bán lẻ, rủi ro luôn thường trực.

Thời điểm này, sự hào hứng của một bộ phận lớn người tiêu dùng đô thị tại Việt Nam với cơn đổ bộ của thương hiệu Miniso vẫn đang trong giai đoạn cao trào và có lẽ sự hào hứng này sẽ chưa sớm hạ nhiệt, khi mà cuối năm nay, sẽ có thêm 8 cửa hàng Miniso mới được mở tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có đầu tàu kinh tế, TP.HCM.

“Đường xa mới biết ngựa hay”, câu thành ngữ này trở nên rất thích hợp khi nói về hoạt động của thương hiệu Miniso tại Việt Nam trong thời gian tới. Thương hiệu Miniso được sáng lập bởi nhà thiết kế Nhật Bản Miyake Jyunya thì ai cũng biết, hàng trong Miniso dù được sản xuất tại quốc gia nào cũng không quá quan trọng, nhưng sản phẩm thực sự đáp ứng chất lượng Nhật Bản như công bố, với chỉ dẫn xuất xứ rõ ràng lại là điều tối quan trọng đối với khách hàng.

Tin bài liên quan