“200.000 bộ âu phục nam là sản lượng mà một doanh nghiệp Anh muốn đặt hàng doanh nghiệp may mặc Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Anh mỗi tháng”. Đó là thông tin vừa được Thương vụ Việt Nam tại Anh chuyển về Bộ Công thương.
Cũng trong thời gian này, một doanh nghiệp khác đến từ Anh là Công ty Ronhill cho biết ý định tìm nhà cung cấp đồ thể thao để bán lẻ tại một số thị trường châu Âu.
Ông Steve Rothwell, Giám đốc Công ty Ronhill cho biết, với mảng kinh doanh chuyên cung cấp trang phục thể thao tại thị trường Anh, Công ty Ronhill nhận thấy nhu cầu tiêu dùng với các dòng sản phẩm này tại Anh ngày càng mở rộng. Đó là lý do khiến Công ty muốn tới Việt Nam khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp.
“Chúng tôi có nhu cầu tham quan các nhà máy sản xuất trang phục thể thao tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà máy sản xuất trang phục chạy bộ, để lên kế hoạch đặt hàng xuất khẩu đi Anh với số lượng lớn”, ông Steve Rothwell nói.
Năng lực sản xuất ngày càng mở rộng, giao hàng đúng hẹn, tuân thủ yêu cầu của đối tác, khách hàng… là những lý do khiến ngày càng nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài chủ động tìm đến doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may Việt Nam.
Một loạt doanh nghiệp nước ngoài đến từ Anh, Bỉ, Hàn Quốc, Uzbekistan… đã “đánh tiếng” nhu cầu tìm kiếm nhà sản xuất và cung ứng hàng may mặc tại Việt Nam để phân phối tại thị trường nội địa. Không đi thẳng được tới nhà sản xuất, nhiều nhà nhập khẩu tìm đến các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhờ làm cầu nối.
Trước nhu cầu của thị trường nội địa và mục tiêu gia tăng sản lượng để xuất khẩu, đầu tháng 7 này, Công ty cổ phần May Sơn Việt, doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ lót, với các thương hiệu Relax và Camel, đã khởi công xây dựng xưởng may tại xã Tân Thới Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Đây là xưởng may thứ 3 của Công ty tại TP.HCM, với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng, diện tích 3.000 m2, quy mô 200 chiếc máy may, chuyên may đồ nội y nam nữ.
Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sơn Việt cho hay, gần 50% sản lượng của Công ty đã được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và Brazil. Bên cạnh đó, Công ty cũng làm thêm hàng gia công xuất đi Đức, Mỹ. Với nhà máy mới, Công ty có thêm cơ hội mở rộng quy mô nhận đơn đặt hàng từ đối tác ngoại.
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho biết, số lượng doanh nghiệp nước ngoài tìm đến với Trung tâm để được tư vấn tìm nhà sản xuất, cung ứng hàng may mặc, đặc biệt là những mặt hàng đòi hỏi đồ tinh xảo, ngày càng nhiều. Chỉ riêng trong nửa đầu tháng 7, có gần 10 doanh nghiệp nước ngoài tìm nhà xuất khẩu hàng dệt may trong nước.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong giai đoạn 2008 - 2013, Việt Nam là một trong những nước có ngành công nghiệp dệt may tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, sản xuất hàng dệt may thế giới cũng đang dịch chuyển sang các nước đang phát triển, thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Đó được xem là những lý do khiến ngành dệt may Việt Nam được các nhà nhập khẩu để mắt tới nhiều hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang cho biết, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhập khẩu lớn từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đang chủ động tìm tới đặt hàng của Việt Nam. Điều đó cho thấy, ngành dệt may Việt Nam rất có uy tín trên thị trường thế giới, được đối tác, bạn hàng đánh giá cao.
“Việc khách hàng quốc tế chủ động tìm đến đặt hàng là dấu hiện rất đáng mừng đối với ngành dệt may nói chung và các doanh nghiệp sản xuất nói riêng”, ông Giang đánh giá.