Hàng chục tỷ USD chực chờ chảy vào Việt Nam

Hàng chục tỷ USD chực chờ chảy vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đến nay có nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam. Đây là cơ hội để gắn kết hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, gia tăng năng lực cạnh tranh để phát triển hơn nữa.

Đó là thông tin được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiết lộ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020 (VBS 2020) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 12/11 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị VBS 2020, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Là một phần trong bức tranh tăng kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch và khuynh hướng đầu tư mới của khu vực.

Trong bối cảnh này, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, để có thể thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”, doanh nghiệp Việt Nam cần hoạt động một cách bền vững hơn để tái tạo tương lai. Việc tái thiết sẽ là cần thiết cho mọi doanh nghiệp đang trên đà suy thoái và lực lượng lao động chất lượng cao sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp quốc gia.

Đánh giá về tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, các đại biểu cho rằng triển vọng tăng, trưởng tích cực của Việt Nam trên nền bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt phải được tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài - điều này đã được thể chế hoá tại Luật Đầu tư và Nghị quyết chúng tôi đang soạn thảo.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

Mặc dù không đứng ngoài những tác động tiêu cực của đại dịch, Việt Nam kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng 2,9% năm 2020 theo báo cáo Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 8 năm 2020 - nền kinh tế duy nhất trong ASEAN duy trì mức tăng trưởng dương trong năm nay. Điều này phần lớn nhờ vào những biện pháp kịp thời của Chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp cứu trợ kinh tế hiệu quả.

“Tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng ngày một trở nên rõ rệt và đang thúc đẩy những thay đổi mang tính chất hệ thống. Triển vọng của kinh tế Việt Nam có thể coi là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, để bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng này và phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, Việt Nam cần định hướng rõ ràng và có hành động cụ thể để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội trong tương lai”, bà Vân nhận định.

Nói vể cơ hội thu hút làn sóng đầu tư trong xu hướng tái chuyển dịch dòng vốn toàn cầu, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường được các nhà đầu tư quan tâm. Trong bối cảnh này, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, đồng thời tập trung sửa đổi hoàn thiện các chính sách khung khổ pháp luật để thu hút một cách có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài theo tinh thần chủ trương Nghị quyết 50.

“Doanh nghiệp Việt phải được tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài - điều này đã được thể chế hoá tại Luật Đầu tư và Nghị quyết chúng tôi đang soạn thảo”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vừa qua Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã làm việc rất tích cực với các nhà đầu tư. Đến nay có nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam. Đây là cơ hội để gắn kết hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, gia tăng năng lực cạnh tranh để phát triển hơn nữa.

Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, xu thế kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế phát triển bền vững, bao trùm.

Theo đại diện VCCI, hiện có nhiều tín hiệu tốt khi gần đây có 15/30 nhà đầu tư Nhật Bản xin chuyển dự án về Nhật Bản hoặc sang các nước đã đầu tư sang Việt Nam. Đặc biệt, Tập đoàn Samsung đến năm 2022 sẽ đưa vào hoạt động trung tâm R&D lớn nhất tại Đông Nam Á, hiện tập đoàn này đang đóng góp 25% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Lộc cũng bày tỏ hy vọng Diễn đàn Indo-Pacific tại Việt Nam vừa qua với hơn 2.000 đại biểu tham dự đã có đến 11 tỷ USD ký kết giữa Việt Nam – Hoa Kỳ. Kỳ vọng Hội nghị lần này tiếp tục tạo ra những đột phá mới.

Theo Khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC được thực hiện tháng 7 vừa qua, các kết quả cho thấy hai xu hướng chủ đạo được các CEO chú trọng trong thời kỳ COVID-19: ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai. Theo đó, 41% các CEO cho biết phát triển doanh nghiệp theo hướng số hóa và nền tảng trực tuyến là ưu tiên hàng đầu, theo sau là 26% các CEO có kế hoạch xây dựng lực lượng lao động linh hoạt hơn với các chính sách lấy con người làm trọng tâm.

Các xu hướng này đồng thời được phản ánh qua nội dung thảo luận tại hội nghị.

“Đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại mô hình kinh doanh và năng lực nội tại, từ đó xây dựng kế hoạch cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra trong tương lai. Để định hướng trước những biến động hiện nay, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy áp dụng tư duy mới, đẩy nhanh việc áp dụng số hóa và chủ động mang đến thay đổi trong doanh nghiệp của mình”, bà Quỳnh Vân nhận xét.

COVID-19 đã và đang đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số, cho phép các công ty đi đầu trong chuyển đổi số có được những lợi thế nhất định. Cũng trong báo cáo Khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC, 76% lãnh đạo tin rằng tự động hóa sẽ là xu hướng tất yếu, đồng nghĩa với việc sẽ cần nguồn lực đáng kể để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi này, trong đó phải kể đến nâng cao kỹ năng cho người lao động. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần chú trọng tìm ra phương án thích hợp để nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động.

Chia sẻ về điều này, các đại biều cho rằng, COVID-19 đã bộc lộ và thậm chí làm gia tăng thiếu hụt về kỹ năng để đáp ứng chiến lược kinh doanh linh hoạt của doanh nghiệp trong tương lai. Do đó,1 nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và sự hợp tác của các cấp lãnh đạo từ cả hai phía chính phủ và doanh nghiệp.

Tin bài liên quan