Hanel: "Không thoái vốn thành công, Công ty không thể phát triển được"

Hanel: "Không thoái vốn thành công, Công ty không thể phát triển được"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên 2023 diễn ra ngày 30/6, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanel cho biết, Công ty nhất trí trình xin thoái vốn 100% vì chỉ có như vậy mới có cơ hội phát triển.

Thoái vốn nhiều năm chưa có kết quả

Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, hạn chót đến cuối năm 2020, UBND TP. Hà Nội phải thực hiện thoái vốn tại CTCP Hanel (mã HNE - UPCoM). Tuy nhiên tới nay, câu chuyện thoái vốn vẫn chưa đi đến đâu.

Ngày 1/3/2023, Hanel đã xây dựng đề án cơ cấu lại Công ty cổ phần Hanel giai đoạn 2022-2025 trình lên Sở Tài chính. Sau khi tiếp thu ý kiến từ các bên, ngày 5/5/2023, công ty đã hoàn thiện lại đề án và trình lên Sở Tài chính.

Ngày 14/6/2023, Sở Tài chính có văn bản đề nghị rà soát kỹ ý kiến tham gia của các sở, ngành để hoàn thiện các nội dung của Đề án. Hiện Công ty đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn để xem xét điều chỉnh và hoàn thiện Đề án trình lên Sở Tài chính.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông, ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Hanel cho biết, vốn nhà nước đang chiếm tới 93% vốn của Công ty. Việc đầu tư hoặc triển khai các dự án đều phải báo cáo Sở Tài chính, đồng thời phải hoạt động theo quy định của công ty cổ phần, khiến tiến độ triển khai các dự án cũng như hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp bị hạn chế.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Hanel chia sẻ thêm thông tin, Hanel thuộc 1 trong 4 doanh nghiệp của Hà Nội làm kế hoạch thoái vốn riêng, nên chưa biết tỷ lệ thoái vốn như thế nào.

“Ban Tổng giám đốc nhất trí trình xin thoái vốn 100%. Với công ty công nghệ như Hanel, chỉ có thoái vốn 100% mới có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, phương án chưa được chấp thuận và TP. Hà Nội vẫn đang trong quá trình xem xét và trình Chính phủ xem xét”, bà Yến cho biết.

Câu chuyện thoái vốn nhà nước từ lâu luôn được nhắc đến tại Đại hội đồng cổ đông của Hanel. Lãnh đạo Hanel cho biết, công tác thoái vốn nhà nước chưa thực hiện được do vướng mắc trong phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất. Nếu không thực hiện thoái vốn, Công ty không thu hút được nguồn vốn để phát triển nhanh, mạnh hơn trong các lĩnh vực sản xuất phần mềm, khoa học công nghệ, các ngành nghề sản xuất – kinh doanh chính và có tiềm năng. Đồng thời khó triển khai hiệu quả các dự án, đặc biệt là Dự án Công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội.

Các chỉ tiêu tài chính năm 2022 và 2023 của Hanel

Các chỉ tiêu tài chính năm 2022 và 2023 của Hanel

Trích lập dự phòng lớn, loạt dự án vẫn dở dang

Báo cáo tài chính 2022 (báo cáo gần nhất được kiểm toán) của Hanel ghi nhận hàng loạt ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Trong đó, tính tới cuối năm 2022, Công ty đang ghi nhận phải thu hồi tồn đọng nhiều năm với CTCP Phát triển N&G có giá trị khoảng 92,9 tỷ đồng, đồng thời trong năm đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi số tiền khoảng 14,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu trích lập theo đúng chuẩn thì khoản Dự phòng nợ phải thu khó đòi đầu năm tăng thêm khoảng 60,5 tỷ đồng (cuối năm tăng thêm khoảng 41 tỷ đồng), khiến Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đầu năm giảm khoảng 97,9 tỷ đồng.

Cho tới ngày lập báo cáo tài chính 2022, đơn vị kiểm toán chưa được cung cấp báo cáo tài chính của các khoản đầu tư góp vốn vào các đơn vị: CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Bắc Việt, CTCP Biển Bạc, CTCP Đầu tư Hanpad; CTCP Đầu tư Phát triển N&G; CTCP Viễn thông Hà Nội; CTCP Tân Tạo – Hanel; CTCP Tự động hoá và Cơ khí điện tử Hanel; CTCP XNK Dịch vụ và đầu tư Việt Nam…

Tính tới cuối năm 2022, tổng giá trị ghi sổ của các khoản đầu tư trên là khoảng 20,6 tỷ đồng, giá trị dự phòng được trích lập là khoảng 3,3 tỷ đồng… Đơn vị kiểm toán không thể đánh giá ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng cũng như các điều chỉnh cần thiết nếu có…

Chia sẻ về công nợ và các khoản thu khó đòi, bà Bùi Thị Hải Yến cho biết: “Việc trích lập dự phòng Công ty làm theo đúng quy định. Khoản công nợ lớn nhất là với N&G, Công ty chưa trích lập hết vì năm vừa qua, N&G đã có động thái trả 10 tỷ đồng. Đồng thời đã có phán quyết của Toà án buộc N&G phải trả 147 tỷ đồng, bao gồm 70 tỷ đồng nợ gốc, còn lại là lãi phát sinh từ nợ gốc. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi hiện tại là theo sát để đôn đốc thu hồi công nợ”.

Với những vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá, Hanel đang có loạt dự án dở dang. Về dự án khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Công ty đang thực hiện rà soát hồ sơ để quyết toán dự án hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật… Việc chưa thoái vốn khiến Hanel gặp khó khăn trong kêu gọi nhà đầu tư hợp tác thực hiện dự án, chưa kể khó khăn của nền kinh tế hiện tại.

Dự án đầu tư xây dựng toà nhà thương mại điện tử và văn phòng Hanel (E9 Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội), Công ty đã nộp 60% giá trị tiền sử dụng đất và đang phối hợp với các cơ quan nhà nước để có phương án xử lý.

Dự án 60 Nguyễn Đức Cảnh (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình bàn giao tiếp nhận tài sản.

Dự án 409 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), Công ty đang chờ cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn giải quyết tranh chấp.

Dự án 165 Thái Hà, Hanel đã khởi kiện Tổng công ty cổ phần Sông Hồng. Toà án đang chuẩn bị thực hiện lại án sơ thẩm.

Tin bài liên quan