Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) Park Sangwoo trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh về thúc đẩy hợp tác hai bên lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, sáng 31/3/2025 tại Hà Nội.
Cuộc làm việc giữa hai Bộ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác, đặc biệt là sau chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 7/2024.
Đây là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ phát triển tốt đẹp giữa hai nước nhằm triển khai có hiệu quả, thực chất quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" đã được thiết lập từ năm 2022.
Bộ trưởng Park Sangwoo nhấn mạnh, quan hệ "Đối tác Chiến lược toàn diện" giữa Việt Nam - Hàn Quốc và các hợp tác đã được thúc đẩy mạnh mẽ giữa hai nước trên khắp các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa...
Dấu ấn về hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng 2 nước ngày càng bền chặt. Điển hình là dự án phát triển đô thị thông minh trong khuôn khổ Mạng lưới K-City tại một số tỉnh, thành phố Việt Nam; Tổng công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (LH) hợp tác phát triển tăng trưởng đô thị tại một số tỉnh.
Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Park Sangwoo cho biết, Hàn Quốc khi bắt đầu đầu tư đường sắt tốc độ cao đã nhập khẩu công nghệ từ Pháp. Tuy nhiên, sau 20 năm phát triển, Hàn Quốc đã làm chủ công nghệ. Trong đó, các phần sản xuất tại Hàn Quốc đã làm chủ 100%, chỉ nhập khẩu một số ít phần mà từ khi triển khai tuyến đầu tiên đã nhập khẩu, để phục vụ vận hành, bảo trì.
Hàn Quốc đã hướng tới xuất khẩu công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, được nhiều nước quan tâm.
Từ kinh nghiệm này, Hàn Quốc mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ Việt Nam nội địa hóa, tiến tới làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Bộ trưởng Park Sangwoo nói, Hàn Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nội địa hóa, tiến tới làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. |
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi vì sự phát triển chung hai nước", Bộ trưởng Park Sangwoo khẳng định.
Hàn Quốc hiện là quốc gia có số vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam, là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) song phương lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Còn trong lĩnh vực GTVT, Hàn Quốc là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai cho ngành GTVT Việt Nam. Từ năm 1996, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu hỗ trợ nguồn vốn cho Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng GTVT.
Tới nay, hai bên đã phối hợp hoàn thành 9 dự án với tổng giá trị khoản vay hơn 1 tỷ USD và đang phối hợp triển khai 6 dự án với tổng giá trị khoản vay gần 600 triệu USD.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị và nhà ở, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đã hợp tác tích cực, hỗ trợ đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Xây dựng trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2023.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đạt nhiều thành công trong đầu tư phát triển các khu đô thị mới hiện đại, thông minh như: khu đô thị Starlake tại Hà Nội, dự án Khu đô thị Nhà Bè tại TP.HCM.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh tại hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc. |
Bộ trưởng Trần Hồng Minh mong Hàn Quốc nghiên cứu, cung cấp nguồn vốn ODA cho các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt của Việt Nam. Cùng đó hỗ trợ đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển công nghệ lĩnh vực đường sắt, giao thông thông minh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng xanh.
"Việt Nam mong phía Hàn quốc tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực đường sắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành đường sắt trong thời gian tới", Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị.
Việt Nam dự kiến khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam Hà Nội - TP.HCM vào cuối năm 2026. Dự án có tổng chiều dài 1.541 km từ Hà Nội đến TP.HCM, đi qua 20 tỉnh, thành phố với tốc độ thiết kế 350 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67,3 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2025 - 2035.