Ông Lee Bok-hyun, Thống đốc Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc

Ông Lee Bok-hyun, Thống đốc Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc

Hàn Quốc lạc quan về khả năng được thêm vào chỉ số trái phiếu quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của Hàn Quốc đang lạc quan về việc được đưa vào Chỉ số Trái phiếu Chính phủ Thế giới (WGBI) của FTSE Russell trong tháng này, điều dự kiến sẽ giúp mang lại hàng tỷ USD dòng vốn nước ngoài cho thị trường Hàn Quốc.

Lee Bok-hyun, Thống đốc Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) cho biết, ông tin rằng Seoul đã đáp ứng hầu hết các điều kiện mà cơ quan biên soạn chỉ số yêu cầu sau khi chính phủ nới lỏng một số quy định.

“Cơ hội được đưa vào chỉ số WGBI lần này của chúng tôi rất cao. FTSE Russell xem xét các thành phần có thể có vào 6 tháng một lần và lần đánh giá cuối cùng là vào tháng 3. Thời điểm đã chín muồi vì chúng tôi đã đáp ứng được hầu hết các điều kiện mà họ yêu cầu”, ông cho biết.

FTSE Russell sẽ công bố phân loại lại vào cuối tháng này. Hàn Quốc đã được thêm vào danh sách theo dõi một năm trước sau quyết định cắt giảm thuế đối với đầu tư nước ngoài vào trái phiếu kho bạc Hàn Quốc.

“Nếu được đưa vào chỉ số, sẽ có thêm nhiều quỹ trái phiếu trung và dài hạn đổ vào thị trường, góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Chúng tôi không quá lo lắng về việc được đưa vào chỉ số này vào thời điểm này hoặc sáu tháng sau, nhưng có ít ràng buộc hơn đối với việc đưa WGBI vào danh sách này so với việc nâng xếp hạng thị trường trong rổ chỉ số MSCI”, ông Lee cho biết khi đề cập đến việc MSCI tiếp tục xem xét Hàn Quốc là thị trường phát triển thay vì chỉ là thị trường mới nổi.

Hàn Quốc đã công bố các biện pháp nới lỏng vào tháng 2/2023, bao gồm mở rộng giao dịch ngoại hối sang giờ Luân Đôn, loại bỏ các yêu cầu đăng ký phức tạp đối với các nhà đầu tư vốn nước ngoài và mở cửa thị trường tiền tệ trong nước cho các tổ chức nước ngoài đã đăng ký vào nửa cuối năm tới.

Một yêu cầu khác để Hàn Quốc được đưa vào WGBI là cho phép giao dịch thị trường trái phiếu thông qua các tổ chức lưu ký chứng khoán quốc tế. Tháng trước, Euroclear và Clearstream đã đồng ý với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Hàn Quốc để mở một tài khoản tổng hợp cho trái phiếu Kho bạc Hàn Quốc.

Theo ước tính của các nhà phân tích, các quỹ trái phiếu toàn cầu với quy mô khoảng 2.500 tỷ USD theo dõi chỉ số WGBI và các quan chức chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng dòng vốn liên quan đến WGBI sẽ lên tới 90 nghìn tỷ Won (67 tỷ USD) vào trái phiếu kho bạc Hàn Quốc, có khả năng tham gia chỉ số với tỷ trọng khoảng 2%-2,5% nếu được thêm vào chỉ số.

Ngoài ra, mục tiêu lâu dài khác của Chính phủ Hàn Quốc là thúc đẩy vị thế thị trường phát triển của MSCI, điểm mấu chốt là những hạn chế đối với giao dịch đồng won ra nước ngoài, phản ánh lo ngại về thị trường ngoại hối không được kiểm soát - một vết sẹo từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990.

Ông Lee cho biết, chính quyền Hàn Quốc vẫn chưa xem xét cho phép giao dịch tiền tệ ra nước ngoài, nhưng ông kỳ vọng Hàn Quốc sẽ đạt được vị thế thị trường phát triển vào năm 2024 hoặc 2025, vì người biên soạn chỉ số cần thời gian để theo dõi việc thực hiện và hiệu quả của các biện pháp cải cách của Seoul.

Một điều kiện khác để được MSCI nâng xếp hạng thị trường là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán khống của quốc gia này, được đưa ra ngay từ đầu đại dịch Covid-19 nhằm giảm bớt biến động của thị trường. Vào năm 2021, chính phủ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán khống, cho phép bán khống cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các chỉ số Kospi 200 và Kosdaq 150.

Nhưng theo ông Lee, hiện không phải là “thời điểm thích hợp” để xem xét động thái này, do thị trường chứng khoán trong nước trì trệ và biến động thị trường gia tăng.

“Chúng ta cần xem xét những tác động tích cực của bán khống đối với đầu tư và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng môi trường vẫn chưa chín muồi vì biến động của thị trường chứng khoán gần đây đã tăng lên rất nhiều. Chúng tôi sẽ thận trọng xem xét những gì cần làm với nó”, ông cho biết.

Tin bài liên quan