Một loại chip của hãng Samsung. (Ảnh: Yonhap/TTXVN).
Doanh thu của các nhà cung cấp vật liệu sản xuất chip Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong vòng bốn năm Nhật Bản siết chặt xuất khẩu một số mặt hàng công nghệ cao dùng trong sản xuất chip và màn hình sang Hàn Quốc.
Biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đã thúc đẩy các nhà sản xuất chip như Samsung Electronics mua vật liệu từ nhà cung cấp địa phương.
Các nhà quan sát trong ngành đang theo dõi xem liệu các nhà cung cấp Hàn Quốc có thể duy trì tăng trưởng sau khi chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế thương mại trong bối cảnh quan hệ song phương "tan băng."
Tháng 8/2019, sau khi Nhật Bản điều chỉnh chính sách xuất khẩu mới, 17 công ty cung cấp vật liệu chất bán dẫn Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ dẫn đầu hoạt động sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu của ba loại vật liệu - polyimide flo hóa, chất cản quang và hydro florua - được sử dụng trong sản xuất chip và màn hình.
Trong khoảng ba năm bảy tháng kể từ tháng 8/2019, chỉ số chứng khoán bao gồm 17 cổ phiếu của các công ty này đã tăng 2,3 lần, vượt xa mức tăng của chỉ số tổng hợp KOSPI của thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Kết quả này có được nhờ tăng trưởng doanh thu ấn tượng. 16 công ty ghi nhận doanh thu năm 2022 tăng 50% so với 2018, lên 19.450 tỷ won (15 tỷ USD). Lợi nhuận hoạt động tăng gấp 2,5 lần lên 1.670 tỷ won.
Ahn Ki-hyun, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc, cho biết biện pháp hạn chế xuất khẩu (của Nhật Bản) "không gây thiệt hại thực sự" cho các công ty Hàn Quốc.
Mặt khác, các công ty Nhật Bản lại phải ứng phó với nhiều thủ tục nghiêm ngặt hơn khi quá trình sàng lọc hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc chặt chẽ hơn.
Một công ty Hàn Quốc hưởng lợi từ động thái trên là Dongjin Semichem - công ty sản xuất chất cản quang và đánh bóng trong quy trình sản xuất chất bán dẫn. Dongjin báo cáo doanh số bán hàng cho Samsung đã tăng hơn gấp ba lần từ năm 2018 đến 2022 lên 552,8 tỷ won. Lợi nhuận hoạt động cũng tăng gấp ba lần, lên 216,3 tỷ won.
Công ty dịch vụ tài chính NH Investment & Securities nhận định việc thay thế toàn bộ bằng sản phẩm trong nước sẽ mất một thời gian, nhưng Samsung đã nhanh chóng sử dụng nguồn cung trong nước.
Các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc cũng tìm được nguồn cung cấp thay thế cho hydro florua - vốn là hóa chất khó tìm nguồn cung cấp nhất sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu hydro florua của Hàn Quốc từ Nhật Bản đã giảm 88% trong giai đoạn 2018-2002 xuống còn 8,3 triệu USD.
Hydro florua nhập khẩu - chủ yếu được dùng trong sản xuất màn hình - đã được thay thế bằng khí có độ tinh khiết thấp hơn được sản xuất tại Hàn Quốc. Soulbrain, công ty sản xuất hydro florua của Hàn Quốc, ghi nhận doanh số bán hàng tăng gần 40% từ năm 2019 đến năm 2022.
Sự thay đổi thị phần mạnh mẽ ở thị trường Hàn Quốc cũng thể hiện rõ qua số liệu xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Báo cáo của nhà cung cấp hydro florua lớn Stella Chemifa cho thấy thị phần xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip sang Hàn Quốc giảm từ 50% doanh số bán hàng trong tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019) xuống còn 25% trong tài khoá 2020.
Nhưng nhìn chung, không có quá nhiều thay đổi trong toàn bộ bức tranh ngành công nghiệp vật liệu sản xuất chip. Công ty hóa chất Shin-Etsu Chemical và Sumco của Nhật Bản cung cấp phần lớn các tấm bán dẫn silicon trên thế giới và các công ty Nhật Bản như Tokyo Ohka Kogyo và JSR nắm giữ khoảng 90% thị trường chất quang điện trở hiệu suất cao. Trong chuỗi cung ứng mặt hàng này, các nhà cung cấp Nhật Bản vẫn đang giữ vai trò chủ đạo.
Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục chính sách khuyến khích ngành công nghiệp vật liệu và thiết bị sản xuất chip trong nước. Với căng thẳng Mỹ-Trung đang leo thang, việc nuôi dưỡng các nhà cung cấp trong nước được coi là rất quan trọng để đề phòng trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn.