Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) đã cung cấp thông tin chi tiết về “Chương trình Tăng giá trị Doanh nghiệp” nhằm ưu tiên lợi nhuận của cổ đông thông qua các ưu đãi bao gồm lợi ích về thuế và “khuyến khích các công ty niêm yết tự nguyện thiết lập và tiết lộ các kế hoạch nâng cao giá trị”.
Thông báo của FSC nhấn mạnh các biện pháp mà chính quyền Hàn Quốc đang thực hiện để nâng cao định giá thị trường chứng khoán ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Thị trường chứng khoán nước này thường bị các nhà phân tích xem là định giá thấp, họ gọi hiện tượng này là “Chiết khấu của Hàn Quốc”.
FSC cũng thừa nhận những điểm tương đồng trong chương trình của họ với Nhật Bản, sau khi thị trường chứng khoán Nhật Bản lần đầu tiên đạt mức cao kỷ lục sau 34 năm nhờ vào tình hình kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp và nỗ lực của chính phủ thúc đẩy cải cách quản trị doanh nghiệp tốt hơn để tăng lợi nhuận cho cổ đông.
FSC cho biết họ cũng sẽ giới thiệu “Chỉ số tăng giá trị Hàn Quốc” (Korea Value-up Index) cho các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm cả quỹ hưu trí. “Các quỹ ETF theo dõi chỉ số tăng giá trị của Hàn Quốc cũng sẽ được niêm yết để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cá nhân tiếp cận với các công ty này”, FSC cho biết.
Chỉ số này tương tự như chỉ số JPX Prime 150 của Nhật Bản, bao gồm các công ty hoạt động tốt nhất của Nhật Bản.
Daniel Yoo, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu tại Yuanta Securities Korea cho biết, định hướng chung của các biện pháp này được xem là tích cực, tuy nhiên, “nó thiếu thông tin chi tiết về cách các công ty sẽ tăng tỷ lệ chi trả cổ tức, mua lại và hủy bỏ cổ phiếu”.
Mặc dù hoan nghênh các sáng kiến này như một bước đi đúng hướng, nhưng hầu hết các nhà đầu tư cho biết họ muốn thấy những bước đi mạnh mẽ nhằm giải quyết các hoạt động của công ty có lợi cho các bên liên quan có quyền kiểm soát - thường là các chaebol - hơn là các cổ đông nhỏ hơn.
FSC cho biết các hướng dẫn chi tiết sẽ được hoàn thiện và một trang web chuyên dụng sẽ được thiết lập vào tháng 6, đồng thời FSC cho biết các công ty sẵn sàng tiết lộ kế hoạch “tăng giá trị” sẽ có thể thực hiện điều đó vào nửa cuối năm 2024.
Jonathan Pines, giám đốc danh mục đầu tư hàng đầu khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại Federated Hermes cho biết: “Một cách dễ hiểu, một số nhà đầu tư tránh cổ phiếu Hàn Quốc…Họ hiểu rằng việc đợi cho đến khi giá cổ phiếu đạt đến mức đánh giá khách quan về giá trị nội tại sẽ áp dụng trong một thị trường được quản lý tốt là điều lạc quan và rủi ro”.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã giảm 0,2% từ đầu năm đến nay, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 17,5% trong cùng kỳ.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang háo hức chờ đợi các sáng kiến tăng giá trị nhằm đặt cược rằng chúng sẽ dẫn tới các hoạt động quản trị doanh nghiệp tốt hơn ở Hàn Quốc. Kết quả được hy vọng là thị trường sẽ phục hồi bền vững tương tự như ở Nhật Bản sau khi quốc gia này thực hiện những thay đổi để cải thiện phương thức quản lý.
Quyết định của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo về việc nêu tên các công ty có lợi nhuận cổ đông kém là sáng kiến mới nhất trong nỗ lực cải cách kéo dài nhiều năm của Nhật Bản, đã góp phần thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 vượt lên trên mức đỉnh năm 1989.
Frank Benzimra, người đứng đầu chiến lược vốn cổ phần châu Á tại Societe Generale SA cho biết: “Nếu Nhật Bản là người dẫn đường, hãy nhớ rằng cải cách quản trị đã bắt đầu từ giai đoạn đầu của chương trình Abenomics với Bộ luật quản trị và sửa đổi Đạo luật công ty…Chúng ta không thể cho rằng những thay đổi có ý nghĩa sẽ xảy ra trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng”.
FSC cho biết ban giám đốc của các công ty nên đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch cải tiến trung và dài hạn hàng năm. Các công ty sẽ được khuyến khích tự nguyện tiết lộ kế hoạch của mình trên trang web của họ của và của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.
Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng sẽ công bố các chỉ số tài chính chính của các công ty niêm yết theo ngành, bao gồm tỷ lệ giá trên sổ sách (P/B) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Sở giao dịch sẽ thành lập một bộ phận và một ban cố vấn để hỗ trợ chương trình.
FSC cũng cho biết họ sẽ sửa đổi quy tắc quản lý để đảm bảo rằng các quỹ hưu trí và các tổ chức khác xem xét nỗ lực gia tăng giá trị của các công ty khi đưa ra quyết định đầu tư.