Tại Seoul, số ca mắc bệnh COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc gần chạm ngưỡng 700 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều ổ lây nhiễm tập thể mới ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận, khiến đội ngũ y tế sở tại gặp nhiều khó khăn trong công tác ngăn chặn dịch bệnh.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 10/12 cho thấy nước này đã có thêm 682 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 646 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 40.098 ca.
Con số này chỉ thấp hơn mức kỷ lục ngày 29/2 (với 909 ca), thời điểm phát sinh làn sóng lây nhiễm đầu tiên tập trung ở thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, miền Trung Hàn Quốc.
Trong số 682 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, khu vực thủ đô và vùng phụ cận chiếm 71,7%.
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Đối phó Thiên tai và An toàn Trung ương diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc Park Neung-hoo nhấn mạnh: "Trong tình hình hiện tại, năng lực khử trùng và hệ thống y tế có nguy cơ phải hoạt động ở mức tối đa".
Bộ trưởng Park lưu ý, khi tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục gia tăng, người dân cần tuân thủ triệt để các hướng dẫn phòng dịch và tăng cường giãn cách xã hội, đặc biệt ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Cũng theo Bộ trưởng Park Neung-hoo, khu vực Seoul và vùng phụ cận trong tuần qua trở thành một điểm nóng mới của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục.
Ông khẳng định các cơ quan chức năng sẽ huy động mọi nguồn lực sẵn có để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch bệnh.
Theo KDCA, các ổ dịch lây nhiễm tập thể vẫn xuất hiện rải rác tại các quán bar, chợ, nhà hàng và các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao như viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi...
Hàn Quốc đã quyết định áp dụng giãn cách xã hội tăng cường cấp độ 2,5 kéo dài trong 3 tuần đối với thủ đô Seoul và vùng phụ cận (các khu vực còn lại duy trì giãn cách xã hội cấp độ 2), song chính phủ nước này cũng để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục siết chặt phòng dịch, xem xét nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 3 (mức cảnh báo cao nhất) trong trường hợp xu hướng lây nhiễm trong cộng đồng thời gian tới không có dấu hiệu giảm.