Trên thế giới, có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề hạn mức. Tại Việt Nam, cũng đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này. Tuy nhiên, bài viết này muốn tập trung lý giải tại sao hạn mức trả tiền bảo hiểm lại được coi là công cụ cốt lõi để thực hiện chính sách BHTG, tiêu chí để xác định hạn mức phù hợp là gì trên cơ sở các khuyến nghị, hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) và các tổ chức nghiên cứu quốc tế, và thực tiễn chính sách hạn mức tại Việt Nam hiện nay.
Kinh nghiệm quốc tế về hạn mức BHTG
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, sự tồn tại của chính sách BHTG nói chung và chính sách hạn mức nói riêng có tác động rất lớn tới sự ổn định của hệ thống tài chính-ngân hàng thông qua yếu tố kỷ luật thị trường.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hai phương pháp tiếp cận nhằm duy trì sự phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng, bao gồm: Cơ chế giám sát, kiểm soát chính thức của các cơ quan quản lý như Ngân hàng Trung ương, Ủy ban Giám sát tài chính; và Kỷ luật thị trường, được hiểu là cơ chế các thành viên thị trường tự giám sát và hạn chế hoạt động rủi ro quá mức của ngân hàng.
Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy trong một số trường hợp, sản phẩm dịch vụ tài chính đã phát triển quá nhanh, phức tạp, khiến cơ quan quản lý không kịp thời phát hiện và cảnh báo rủi ro.
Trong khi đó, các thành viên thị trường bao gồm nhà đầu tư, nhà quản lý ngân hàng và thậm chí cả người gửi tiền đã theo đuổi các hành vi rủi ro cao nhằm mục đích thu được lợi ích kinh tế cao nhất. Nói cách khác, trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, kỷ luật thị trường đã không được duy trì một cách đúng mức.
Theo báo cáo của Hội đồng ổn định tài chính (FSB), việc xác định hạn mức cần đảm bảo cân bằng giữa việc bảo vệ người gửi tiền, góp phần ổn định tài chính và duy trì kỷ luật thị trường.Hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp phải thỏa mãn đồng thời hai yếu tố:
Một là, hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ, có hiểu biết hạn chế.
Hai là, hạn mức phải đủ thấp để những người gửi tiền lớn không chạy theo các hành vi rủi ro, chạy đua tìm kiếm ngân hàng trả lãi suất cao nhất mặc dù bản thân người gửi tiền biết ngân hàng đó có rủi ro cao hơn.
Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp có thể hỗ trợ duy trì kỷ luật thị trường, cũng như hỗ trợ hoạt động của các cơ quan quản lý, giám sát trong nỗ lực xây dựng hệ thống NH hoạt động an toàn, lành mạnh.
Cơ sở để xác định hạn mức
Trên cơ sở khuyến nghị của FSB, vào tháng 3/2013, IADI hướng dẫn cụ thể cách thức thiết lập hạn mức bảo hiểm tiền gửi như sau:
Thứ nhất, việc xác định hạn mức trả tiền phù hợp có thể liên quan đến một quá trình cân bằng các mục tiêu chính sách của các nước với chi phí của chính sách đó. Với việc sử dụng dữ liệu về số lượng người gửi tiền được bảo hiểm và tỷ lệ tổng giá trị tiền gửi được bảo hiểm theo các hạn mức bảo hiểm khác nhau (tất cả các khoản tiền gửi/người gửi tiền đủ điều kiện được bảo hiểm), các cơ quan có thẩm quyền có thể thiết lập hạn mức bảo hiểm để bảo vệ nhiều người gửi tiền nhất có thể, trong khi để lại một lượng lớn giá trị tiền gửi không được bảo hiểm.
Tính hợp lý của hạn mức bảo hiểm có thể được xác định trong bối cảnh của mạng an toàn tổng thể. Nếu ở mức quá thấp, những người gửi tiền tương đối nhỏ có thể rút tiền ồ ạt khi xảy ra sự cố đối với ngân hàng của họ.
Nếu hạn mức là quá cao, những người gửi tiền qui mô lớn sẽ không quan tâm đến rủi ro của ngân hàng, do đó không duy trì được kỷ luật thị trường và các ngân hàng sẽ chấp nhận những hoạt động có rủi ro cao hơn, gây nên rủi ro đạo đức. Trong cả hai trường hợp, khuôn khổ xử lý ngân hàng hiệu quả và giám sát vững mạnh có thể giúp hạn chế một số các tác động tiêu cực của hạn mức.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền ước lượng giá trị tiền gửi có nguy cơ rủi ro và khả năng đổ vỡ. Các phương pháp ước lượng có thể mang tính kỹ thuật (chẳng hạn như giá trị chịu rủi ro hoặc xác suất đổ vỡ ngân hàng) hoặc trực tiếp hơn (như bảo hiểm được một số lượng nào đó các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa).
Thứ ba, sau khi xác định số tiền tối đa của các khoản tiền gửi có nguy cơ rủi ro, các cơ quan có thẩm quyền phải xác định xem có một cơ chế cấp vốn đáng tin cậy để chi trả không. Nếu cần, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phát triển cơ chế cấp vốn để đảm bảo đủ nguồn chi trả sẵn có.
Nếu nguồn quỹ không có sẵn hoặc quá nhỏ đối với một đất nước, hạn mức bảo hiểm cần phải giảm xuống hoặc thu hẹp lại. Giảm hạn mức bảo hiểm hoặc phạm vi bảo hiểm có thể làm giảm các yêu cầu góp vốn.
Hạn mức BHTG tại Việt Nam và vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 5/8/2017, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được nâng từ 50 triệu đồng Việt Nam lên mức 75 triệu đồng Việt Nam.Việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 150% so với trước đây (từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và BHTG Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Một trong những ý kiến đang được các Đại biểu Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIVcũng là lo lắng của người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD là khả năng thiệt hại khi có TCTD bị xử lý pháp nhân theo hướng cho phá sản, đặc biệt trong trường hợp người gửi tiền có số tiền gửi lớn hơn hạn mức BHTG.
Điều 27 Luật BHTG 2012 có nêu rõ việc xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm: Số tiền gửi của người được BHTG bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh BHTG, Chính phủ, NHNN Việt Nam còn có các công cụ khác nhằm thực hiện mục tiêu chính sách công để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, chính sách thuế… để đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm là một trong số các động thái chính sách nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền.
Phát biểu trong phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Luật Các TCTD trong Kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đặt vấn đề để Quốc hội xem xét thêm: ...Có thể chi trả tiền gửi cao hơn hạn mức để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống trong từng trường hợp đặc biệt và tùy vào điều kiện ngân sách trong từng trường hợp cụ thể thì Chính phủ phải xem xét, quyết định.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD đang được Quốc hội xem xét thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho những giải pháp mạnh mẽ nhằm xử lý các vấn đề tồn tại trong hoạt động ngân hàng, tái cấu trúc, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của các TCTD, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.