Hạn hán khiến thủy điện toàn cầu sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023

Hạn hán khiến thủy điện toàn cầu sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một phân tích mới cho thấy điều kiện thời tiết khô hạn (đặc biệt ở Trung Quốc) đã khiến sản lượng thủy điện trên toàn cầu sụt giảm ở mức lịch sử trong nửa đầu năm 2023.

Nghiên cứu của tổ chức tư vấn năng lượng tái tạo Ember lập luận rằng sự sụt giảm này là một "cảnh báo rằng sản lượng thủy điện có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ chuyển đổi điện năng".

Tổ chức này cho biết, sản lượng thủy điện toàn cầu đã giảm 8,5% trong sáu tháng đầu năm nay, nhiều hơn bất kỳ mức giảm của bất kỳ năm nào trong hai thập kỷ qua. Trong khi đó, 75% sự sụt giảm này là kết quả của sự sụt giảm ở Trung Quốc - nơi có nhiệt độ kỷ lục hồi đầu năm nay.

Theo Bộ quản lý tình trạng khẩn cấp của Bắc Kinh, từ mùa đông năm 2022 đến mùa xuân năm 2023, hầu hết các khu vực phía tây nam Trung Quốc đều có lượng mưa ít hơn đáng kể và nhiệt độ cao hơn so với một năm bình thường.

Sản lượng thủy điện giảm đồng nghĩa với việc lượng khí thải carbon toàn cầu tăng rất nhẹ trong nửa đầu năm 2023, mặc dù năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên toàn thế giới tăng 12%.

Ember cho biết nhu cầu điện tăng trưởng thấp hơn đã giúp duy trì mức tăng lượng khí thải nhỏ hơn. Nhưng Trung Quốc chứng kiến lượng khí thải tăng gần 8% do nước này cố gắng bù đắp cho lượng thủy điện bị mất.

Tuy nhiên, trong khi điều kiện nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt gây ra sự sụt giảm trong năm nay có thể là do biến đổi khí hậu, tổ chức này cảnh báo rằng vẫn khó tính toán các tác động trong tương lai.

“Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với tiềm năng thủy điện rất khác nhau về mặt địa lý. Những thay đổi về mô hình và cường độ mưa cũng như lượng bốc hơi tăng lên sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thủy điện cả tích cực lẫn tiêu cực tùy thuộc vào khu vực”, báo cáo cho biết.

Một số khu vực ở Trung Phi, Ấn Độ, Trung Á và các vĩ độ cao phía Bắc có thể có tiềm năng tăng cường thủy điện.

Người đứng đầu cuộc họp về khí hậu COP năm nay đã kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu cho đến năm 2030. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tháng trước đã dự kiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2030.

Tuy nhiên, sản xuất năng lượng gió và mặt trời đã tăng trưởng chậm hơn trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự mong manh của lợi nhuận trong lĩnh vực này.

Malgorzata Wiatros-Motyka, nhà phân tích điện cấp cao của Ember cho biết: “Mặc dù thật đáng khích lệ khi chứng kiến sự tăng trưởng đáng chú ý của năng lượng gió và mặt trời, nhưng chúng ta không thể bỏ qua thực tế rõ ràng về các điều kiện thủy điện bất lợi ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu. Thế giới đang đứng trước đỉnh điểm phát thải của ngành điện và giờ đây chúng ta cần tạo động lực cho sự suy giảm nhanh chóng nhiên liệu hóa thạch bằng cách đảm bảo một thỏa thuận toàn cầu nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trong thập kỷ này”.

Tin bài liên quan