Tỷ giá đã ổn định và giao dịch quanh mức 21.400 - 21.420 VND/USD trong những ngày vừa qua

Tỷ giá đã ổn định và giao dịch quanh mức 21.400 - 21.420 VND/USD trong những ngày vừa qua

Hạn chế vay ngoại tệ: Thị trường đã quá nhạy cảm với Thông tư 29

(ĐTCK) Mấy ngày qua, thị trường ngoại hối có sóng nhẹ với băn khoăn về tình hình tỷ giá từ sau ngày 31/12/2014, liên quan đến Thông tư 29/2013/TT-NHNN về việc cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Trao đổi với ĐTCK, các lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, có lẽ thị trường đã quá nhạy cảm.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại tệ Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, tỷ giá có biến động nhẹ trong những ngày vừa qua khi một số báo đưa tin rằng, các ngân hàng sẽ dừng cho vay bằng ngoại tệ sau ngày 31/12. Tuy nhiên, biến động của tỷ giá chủ yếu do nhu cầu mua ngoại tệ cho nhu cầu thanh toán và nhập khẩu cuối năm và nguồn cung của thị trường cũng khá tốt nên tỷ giá đã ổn định và giao dịch quanh mức 21.400 - 21.420 VND/USD trong những ngày vừa qua. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan thì Việt Nam thặng dư thương mại khoảng 440 triệu USD trong tháng 11 và từ đầu năm đến giờ khoảng 2,8 tỷ USD.

Giải thích về việc tại sao lại nói thị trường đã quá nhạy cảm, giám đốc một ngân hàng cho biết, thị trường cần phải đọc kỹ lại Thông tư 29, vì trong đó chỉ có 2 điều quy định thời hạn áp dụng đến ngày 31/12.

Cụ thể, điểm 1, Điều 3, Thông tư 29 quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn “… b) Cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014 có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định tại khoản này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014; và c) Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định tại khoản này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014”.

“Nếu đọc kỹ thông tư 29 thì trong 4 nhu cầu quy định được vay ngoại tệ thì chỉ có 2 quy định có thời hạn hiệu lực đến ngày 31/12/2014 là cho vay ngắn hạn với DN đầu mối xăng dầu và cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu... Tôi cho rằng, tùy theo tình hình thực tế, từng thời điểm, NHNN sẽ có những chính sách phù hợp để hỗ trợ DN và thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông Ngô Đăng Khoa nói.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, cần nhìn rộng ra, từ năm 2012 đến năm 2013 đã có những thông tư khác nhằm giảm đối tượng cho vay ngoại tệ xuống chỉ còn 4 kèm theo một số ngoại lệ... Do đó, tất cả các DN không nằm trong đối tượng ưu tiên của Nhà nước đã không được vay ngoại tệ; DN không có nguồn thu ngoại tệ cũng rất khó có thể xin được giấy phép của NHNN để vay ngoại tệ. Nhưng bên cạnh đó, cũng không phải DN nào cũng muốn xin NHNN phê duyệt vay ngoại tệ.

“Tại VIB, dư nợ ngoại tệ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ và chủ yếu tập trung cho những DN vay có nguồn thu bằng ngoại tệ nên không bị tác động bởi Thông tư 29. Về tổng thể, tôi cho rằng, Thông tư 29 không tác động lớn đến thị trường liên ngân hàng cũng như tỷ giá”, ông Lê Quang Trung nêu quan điểm.

Ông Ngô Đăng Khoa nhận định: “Trong những tháng đầu năm nay, khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp thì tăng trưởng tín dụng ngoại tệ là một trong những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cũng không nhất thiết phải hạn chế hoặc dừng hẳn cho vay ngoại tệ vì các DN đáp ứng điều kiện vay ngoại tệ thường có doanh thu bằng ngoại tệ nên việc vay ngoại tệ và trả nợ vay khi doanh thu ngoại tệ về cũng giúp doanh nghiệp cân đối dòng vốn và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, khi vay ngoại tệ, DN xuất nhập khẩu phải bán ngay ngoại tệ cho các TCTD giúp tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường. Chúng ta nên có những biện pháp hạn chế vay ngoại tệ không đáp ứng yêu cầu của NHNN hay những hình thức lách luật”.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tính đến nay ở mức 12,8% và không lớn trong tổng dư nợ. Bên cạnh đó, tăng trưởng nội tệ đã đạt được 11% cũng cho thấy nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các DN, các thành phần kinh tế không lớn như trước đây.

Tổng giám đốc một ngân hàng phân tích: “Thực tế cho thấy, về cơ bản, mức lãi suất hiện nay cho vay giữa VND và ngoại tệ không chênh lệch lớn như thời điểm đầu năm 2014, nên NHNN nếu có hạn chế đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ cũng không ảnh hưởng đến các hoạt động nhập khẩu của DN để phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh”.

“Nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các DN, thành phần kinh tế không lớn như trước đây nên dự kiến tăng trưởng tín dụng nội tệ sẽ tăng cao hơn ngoại tệ. NHNN đang xem xét tới việc mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN ở lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, để đảm bảo chính sách quản lý ngoại hối và cán cân vĩ mô khác, việc hạn chế cho vay ngoại tệ thời điểm này là cần thiết. Cho vay ngoại tệ hạn chế nghĩa là cầu về ngoại tệ từ nền kinh tế giảm đi, sức ép về tỷ giá giảm dần”, ông Đông nói.

Tin bài liên quan