Hạn chế tối đa gian lận thuế từ thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
Sau một năm thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ tăng thu cho ngân sách nhà nước, mà còn tạo môi trường bình đẳng giữa kinh doanh trên nền tảng số và kinh doanh truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế)

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế)

Sau một năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, kết quả đạt được thế nào, thưa bà?

Trong những năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của TMĐT. Tuy nhiên, thị trường TMĐT phát triển quá mạnh mẽ đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước cũng như quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Quản lý thuế đối với hoạt động này phải bảo đảm nguyên tắc công bằng, quản lý rủi ro dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn..., thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số và đặc biệt là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý kinh doanh TMĐT nói chung, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng, ngày 30/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg.

Kết quả của việc đẩy mạnh quản lý thuế đối với TMĐT, đặc biệt là kể từ khi triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg, cơ quan thuế đã quản lý thu từ các tổ chức, các nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT với doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, tương ứng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 với doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng, tương ứng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước 97.000 tỷ đồng.

Thế còn quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì sao?

Căn cứ trên cơ sở pháp lý là Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Kết quả đạt được tính đến ngày 10/5/2024 là có 96 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử. Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như Google, Meta, Microsoft, Apple, TikTok... đều đã đăng ký, kê khai và nộp thuế hàng ngàn tỷ đồng. Tổng số thuế nhà cung cấp nước ngoài đã nộp vào ngân sách nhà nước là 15.603 tỷ đồng.

Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cung cấp nước ngoài chủ động thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, kinh tế số.

Trọng tâm của Chỉ thị 18/CT-TTg là thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa 5 bộ, ngành để chống thất thu thuế. Thưa bà, ngành thuế đã phối hợp kết nối với các bộ, ngành trên như thế nào?

Các bộ, ngành (gồm Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước) đã thống nhất kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hình thức điện tử, thường xuyên, đảm bảo kịp thời hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo đúng yêu cầu của Chỉ thị 18/CT-TTg.

Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) với các bộ, ngành đã đạt được kết quả tích cực.

Cụ thể, Tổng cục Thuế và Bộ Công an đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về mã số thuế. Tính đến ngày 10/5/2024, tính trên số lượng mã số thuế phải rà soát và có khả năng rà soát (không bao gồm người phụ thuộc và các mã số thuế không có nghĩa vụ thuế hoặc không có thông tin giấy tờ chứng minh nhân dân/căn cước công dân), tỷ lệ khớp đúng đạt 91,36%. Như vậy, mã số thuế cá nhân cơ bản đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, sẵn sàng sử dụng số căn cước/mã định danh cá nhân làm mã số thuế.

Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu với Tổng cục Thuế, bao gồm dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ TMĐT; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh - truyền hình; dữ liệu về 144 triệu tài khoản thanh toán, gồm 10 triệu tài khoản của tổ chức và trên 134 triệu tài khoản thanh toán của cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Muốn thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, ngành thuế phải nắm được doanh thu, nhưng người kinh doanh TMĐT có nhiều tài khoản ngân hàng. Vậy làm sao xác định được doanh thu để tính thuế?

Để thu đúng, đủ, thu kịp thời số thuế phát sinh đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, ngành thuế đã có những giải pháp quản lý đồng bộ, mạnh mẽ.

Cụ thể, ngành thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT từ 5 nguồn, gồm nguồn do sàn TMĐT cung cấp theo quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP và các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp theo yêu cầu của cơ quan thuế; từ hồ sơ khai thuế của các chủ thể liên quan đến hoạt động TMĐT (chủ sở hữu sàn, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán...); thu thập qua công tác thanh tra kiểm tra; từ công cụ quét dữ liệu trên Internet; từ nguồn kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành.

Cơ sở dữ liệu trên được phân quyền khai thác đến các cơ quan thuế địa phương để rà soát đối tượng đưa vào diện quản lý, qua đó tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế kê khai, nộp thuế đúng, đủ, kịp thời theo quy định hoặc xử lý vi phạm đối với người nộp thuế kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT không tuân thủ việc kê khai, nộp thuế theo quy định.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng và hữu hiệu được ngành thuế đẩy mạnh triển khai là việc kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước để xác định tình hình kinh doanh (gồm cả thông tin về doanh thu TMĐT) đối với từng tổ chức, cá nhân. Đây cũng là mục tiêu đặt ra tại Đề án 06 (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022) về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, cũng như Chỉ thị 18/CT-TTg.

Tới đây, khi sử dụng số định danh cá nhân, số căn cước là mã số thuế, đồng thời đồng bộ kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, thì việc kiểm soát, giám sát nguồn thu đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số sẽ được nâng cao và đạt hiệu quả hơn rất nhiều.

Thưa bà, việc sử dụng số căn cước, định danh cá nhân làm mã số thuế sẽ hạn chế tình trạng gian lận thuế trên không gian mạng như thế nào?

Hiện nay, cơ quan thuế phối hợp với Bộ Công an để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về mã số thuế, tiến đến sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. Đây cũng là nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện trong Chỉ thị số 18/CT-TTg, đồng thời Chính phủ cũng giao các bộ, ngành có liên quan đồng bộ cơ sở dữ liệu của mình với cơ sở dữ liệu dân cư để thực hiện định danh và xác thực điện tử.

Việc đồng bộ cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... với dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần định danh, xác thực cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, xác định thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về doanh thu, thông tin về nghĩa vụ thuế. Đây là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành về TMĐT theo Chỉ thị số 18/CT-TTg.

Trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu về TMĐT nêu trên, ngành thuế sẽ quản lý theo rủi ro, qua đó góp phần hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT.

Tin bài liên quan