Bà Vũ Thu Hương

Bà Vũ Thu Hương

Hạn chế rủi ro từ chính sách thuế

(ĐTCK) Để tránh những rủi ro về thuế, DN nên thường xuyên cập nhật thông tin hướng dẫn về thuế.

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, chính sách thuế cũng có nhiều thay đổi, từ những quy định về thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhà thầu… cho đến các quy định về miễn, giảm, gia hạn thuế. Những thay đổi về chính sách thuế có thể đem lại nhiều rủi ro cho DN. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thu Hương, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về mức độ biến động của chính sách thuế, phải chăng mức độ biến động đang có xu hướng tăng lên? Tác động đến DN ra sao?

Đúng là chính sách thuế trong giai đoạn gần đây có nhiều thay đổi. Ở một số khía cạnh, sự thay đổi đó cũng là tất yếu để phù hợp với sự biến động phức tạp của thị trường và cũng nhằm mục đích cải cách các chính sách thuế để hiệu quả và minh bạch hơn. Tuy nhiên, cũng có những sự thay đổi khá bất ngờ mà DN không thể lường trước hoặc có những hướng dẫn chưa thấu đáo, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN.

Có những giao dịch mà trước đây được hướng dẫn là không thu hoặc chưa thu thuế thì hướng dẫn mới lại yêu cầu thu thuế, thậm chí là có những hướng dẫn mang tính hồi tố làm phát sinh số thuế rất lớn cho DN.

Ví dụ, liên quan đến dịch vụ bảo hành kèm theo việc bán sản phẩm, từ trước đến nay DN và các cơ quan thuế đều cho rằng, đối với những hợp đồng kinh tế chỉ là hợp đồng thương mại đơn thuần, các dịch vụ mà phía nước ngoài cung cấp chỉ mang tính chất bảo hành cho sản phẩm thì không thu thuế nhà thầu. Thậm chí quan điểm này cũng được thể hiện tại công văn số 4955/TCT-DNK ngày 28/12/2006. Nhưng gần đây, Tổng cục Thuế có công văn 4163/TCT-CS ngày 21/11/2012 khẳng định: “nếu tại hợp đồng mua máy móc thiết bị có quy định về việc cung cấp máy móc thiết bị kèm theo dịch vụ bảo hành (không phân biệt dịch vụ bảo hành có diễn ra trong thời hạn bảo hành hay không) thì nhà thầu nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập DN, thuế GTGT theo quy định tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC và Thông tư số 60/2012/TT-BTC”. Như vậy, quan điểm mới hoàn toàn trái ngược và phải áp dụng hồi tố lại từ thời điểm hiệu lực của Thông tư 134, tức là ngày 1/1/2009. Theo đó, số thuế phát sinh thêm đối với các DN là vô cùng lớn.

Bên cạnh đó, một số hướng dẫn chưa tham chiếu một cách toàn diện giữa các văn bản pháp luật có liên quan như giữa quy định về thuế và quy định về kế toán, luật lao động,… cũng làm cho DN vô cùng lúng túng trong quá trình thực hiện.

 

Bà đánh giá thế nào về thực trạng quản trị rủi ro liên quan đến thuế ở các DN hiện nay?

Trong chính sách quản trị DN luôn có những biện pháp để dự phòng và đối phó liên quan đến những rủi ro về chính sách thuế. Tuy nhiên, có những thay đổi quá bất ngờ mà DN không thể lường trước được, có những thông lệ được chấp nhận từ rất lâu bỗng nhiên lại được hướng dẫn khác hoặc chỉ đơn giản là có quá nhiều văn bản hướng dẫn mà DN không kịp cập nhật.

Thực tế, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp, khách hàng của chúng tôi vẫn luôn tin tưởng rằng DN mình luôn đảm bảo tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế. Chỉ đến khi cơ quan thuế vào kiểm tra thuế tại DN, phát sinh số thuế bổ sung quá lớn, DN mới ngỡ ngàng nhận ra cách hiểu của mình từ trước đến nay là chưa phù hợp và cơ quan thuế đã có những hướng dẫn khác. Khi đó, DN không những phải gánh thêm số thuế phát sinh bổ sung, mà còn là số tiền phạt chậm nộp khổng lồ.

 

Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị gì để DN có thể quản trị rủi ro này tốt hơn?

Vì việc kê khai nộp thuế hiện nay là theo cơ chế tự khai tự nộp, DN phải hoàn toàn chủ động đối với các nghĩa vụ thuế của mình. Để tránh những rủi ro về thuế, DN nên thường xuyên cập nhật thông tin hướng dẫn về thuế. Định kỳ rà soát lại các giao dịch và việc kê khai các loại thuế phát sinh. Đối với khách hàng của mình, chúng tôi luôn có bản tin cập nhật thông tin, hướng dẫn cách kê khai về thuế hàng tháng, nhằm hạn chế và giảm thiểu số tiền phạt chậm nộp phát sinh. Trong trường hợp có những tình huống dẫn đến những cách hiểu khác nhau hoặc hướng dẫn chưa rõ ràng cho trường hợp cụ thể, DN cũng nên trực tiếp hỏi cơ quan quản lý thuế để có hướng dẫn cụ thể.