Từ thực tế đó, xin phép được trao đổi thêm về cách tiếp cận có liên quan để góp phần bảo đảm sự thống nhất hơn giữa nhận thức pháp luật, xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật về vấn đề này trên cơ sở quy định của Bộ luât Dân sự và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Bộ luật Dân sự 2015 đã có sự sửa đổi khá cơ bản về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, thay vì xác định phạm vi điều chỉnh theo nhóm các quan hệ như Bộ luật Dân sự 2005 (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động), thì bộ luật mới lại xác định phạm vi điều chỉnh theo bản chất pháp lý của quan hệ dân sự (xác lập trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm).
Trên cơ sở đó, Bộ luật Dân sự quy định chủ thể của quan hệ dân sự dựa trên các tiêu chí: (1) Xác định cụ thể; (2) Độc lập về tài sản; (3) Có năng lực tố tụng và (4) Tự chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình.
Theo đó, chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm có cá nhân – thể nhân (tự nhiên nhân) và pháp nhân (con người pháp luật, thành lập, hoạt động và chấm dứt theo quy định).
Đối với hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân khác, Bộ luật Dân sự vẫn tôn trọng sự tồn tại của các thực thể thực tế này, nhưng trong trường hợp chúng tham gia vào quan hệ dân sự thì các thành viên của chúng (cá nhân hoặc pháp nhân) mới là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Ông Nguyễn Hồng Hải
Thông tư số 39 của Ngân hàng Nhà nước cũng xác định chủ thể vay vốn theo tinh thần này. Việc xác định chủ thể trong quan hệ dân sự nói chung và quan hệ vay vốn tại tổ chức tín dụng nói riêng theo cá nhân và pháp nhân là cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vậy, quy định của Bộ luật Dân sự và Thông tư số 39 có mâu thuẫn với quy định của pháp luật về kinh doanh hay không? Tôi cho rằng, không có mâu thuẫn.
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014 đều quy định, doanh nghiệp là các công ty (cổ phần, trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty hợp danh) có tư cách pháp nhân, do đó, khi tham giao dịch, các công ty này chính là chủ thể của giao dịch.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp xác định doanh nghiệp này là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài hoặc tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp; mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân, không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân tham gia giao dịch thì cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân mới là chủ thể của giao dịch.
Đối với hộ kinh doanh, Khoản 2, Điều 212, Luật Doanh nghiệp 2015 quy định: “Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của luật này. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ”.
Theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì hộ kinh doanh có những đặc điểm sau: hộ kinh doanh không phải là doanh nhiệp, mà là một thực thể thực tế tham gia hoạt động kinh doanh, do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ nhân danh chính mình tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, cá nhân đó có toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của hộ. Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, mọi hoạt động kinh doanh của hộ do các thành viên trong nhóm hoặc hộ gia đình quyết định.
Nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người làm đại diện cho nhóm hoặc hộ để tham gia giao dịch với bên ngoài; cá nhân, nhóm người hoặc các thành viên trong hộ chịu trách nhiệm đến cùng bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh (trách nhiệm vô hạn).
Bộ luật Dân sự 2015 khi quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cũng theo tinh thần như vậy. Do đó, trong trường hợp hộ kinh doanh tham gia giao dịch, thì chủ hộ kinh doanh (cá nhân hoặc nhóm cá nhân) là thành viên của hộ kinh doanh sẽ là chủ thể của giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
Vấn đề đặt ra là, trong hoạt động cho vay sản xuất - kinh doanh thì các tổ chức tín dụng sẽ xác định chủ thể vay là ai, chủ thể kinh doanh hay chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh?
Không phải mọi quan hệ kinh doanh đều là các quan hệ dân sự, vì thế, không cứ là chủ thể quan hệ kinh doanh thì sẽ là chủ thể của giao dịch dân sự. Trong kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh (đối với hộ có đăng ký) được xác định là các chủ thể có mục đích kinh doanh, họ được công nhận là chủ thể kinh doanh nếu bảo đảm được các điều kiện về kinh doanh.
Trên cơ sở là chủ thể kinh doanh thì doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh sẽ là các chủ thể của các quan hệ về thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước, chủ thể quan hệ về kế toán, chủ thể của quan hệ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất - kinh doanh. Đây không phải là các quan hệ dân sự.
Khi cho doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh vay vốn với mục đích sản xuất - kinh doanh, các tổ chức tín dụng cần xác định rõ mối quan hệ giữa chủ thể vay vốn và mục đích vay vốn để sản xuất, kinh doanh
Do đó, khi cho doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh vay vốn với mục đích sản xuất - kinh doanh, các tổ chức tín dụng cần xác định rõ mối quan hệ giữa chủ thể vay vốn và mục đích vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chủ thể vay vốn là chủ thể có quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình trong thực hiện nghĩa vụ và sẽ là chủ thể tham gia các quan hệ công chứng giao dịch, đăng ký giao dịch và là chủ thể tham gia tố tụng, như phân tích ở trên thì chủ thể vay vốn phải là chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh.
Còn đối với mục đích vay vốn là điều kiện để tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay, xác định giá trị khoản vay, cơ chế trả lãi, lãi suất… trong vay sản xuất - kinh doanh hay cho vay cá nhân, tiêu dùng, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh phải chứng minh về mục đích vay vốn, nếu vay vốn cho sản xuất - kinh doanh thì họ phải gắn liền việc sử dụng vốn vay với chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh mà họ là chủ sở hữu.
Trong trường hợp này, để giải quyết vướng mắc về mã khách hàng trong hệ thống thì tổ chức tín dụng có thể giải quyết theo hướng chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh là chủ thể vay vốn, nhưng có mã khách hàng là doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh.
Thứ hai, về việc chi nhánh của doanh nghiệp tham gia hoạt động vay vốn tại tổ chức tín dụng, cả Bộ luật Dân sự 2105 (Điều 84) và Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 45) đã có sự đồng bộ, thống nhất khi quy định về địa vị pháp lý của chi nhánh là: đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền; ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, về nguyên tắc, trong trường hợp chi nhánh đứng ra vay vốn tại tổ chức tín dụng, thì cũng chỉ có địa vị pháp lý là nhân danh pháp nhân tham gia giao dịch, chi nhánh cũng không thể là là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài hoặc tòa án trong các tranh chấp liên quan giữa doanh nghiệp với tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, chi nhánh có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Điều này có thể hiểu là pháp nhân có thể ủy quyền cho chi nhánh đứng tên trong hợp đồng, ủy quyền cho giám đốc chi nhánh trực tiếp ký và sử dụng con dấu riêng của chi nhánh trong xác lập hợp đồng vay vốn với tổ chức tín dụng, thực hiện nội dung hợp đồng vay và tham gia tố tụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng vay vốn với tổ chức tín dụng.
Việc xác định các trường hợp, phạm vi mà chi nhánh có thể thay mặt pháp nhân đứng tên trên hợp đồng và giám đốc chi nhánh có thể trực tiếp ký và sử dụng con dấu riêng của chi nhánh trong xác lập hợp đồng vay vốn với tổ chức tín dụng cần phải căn cứ vào điều lệ của pháp nhân, quy định của pháp luật có liên quan (nếu có), quyết định của tòa án (nếu có).
Ví dụ, trường hợp điều lệ của pháp nhân đã quy định rõ về việc chi nhánh, giám đốc chi nhánh có các quyền này, thì khi chi nhánh có đề nghị về việc xác lập, thực hiện hợp đồng vay vốn, thì tổ chức tín dụng căn cứ vào điều lệ của pháp nhân xác lập, thực hiện hợp đồng vay với chi nhánh, mà không cần thiết phải có giấy ủy quyền của pháp nhân.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định “pháp nhân ủy quyền” thay cho “người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền”, do đó, theo quy định tại Điều 135 và Khoản 1, Điều 138 của Bộ luật Dân sự, việc xác định địa vị pháp lý của chi nhánh, giám đốc chi nhánh trong xác lập, thực hiện hợp đồng vay hoàn toàn có thể căn cứ vào điều lệ của pháp nhân, mà không nhất thiết phải có giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, trừ khi điều lệ quy định rõ điều kiện này.
Trường hợp điều lệ của pháp nhân không quy định rõ vấn đề này, thì việc có giấy ủy quyền của pháp nhân là cần thiết để gắn trách nhiệm của pháp nhân với quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình chi nhánh nhân danh pháp nhân xác lập, thực hiện hợp đồng vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Ai là người có thẩm quyền thay mặt pháp nhân cấp giấy ủy quyền của pháp nhân thì cần căn cứ vào điều lệ, pháp luật có liên quan (nếu có), quyết định của tòa án (nếu có). Trường hợp không có các căn cứ này thì căn cứ vào Khoản 2, Điều 141, Bộ luật Dân sự năm 2015, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân sẽ là người có thẩm quyền cấp giấy ủy quyền của pháp nhân cho chi nhánh để xác lập, thực hiện hợp đồng vay vốn với tổ chức tín dụng.
Cần lưu ý rằng, cho dù chi nhánh đứng tên trên hợp đồng, giám đốc chi nhánh trực tiếp ký hợp đồng theo đúng điều lệ hoặc ủy quyền của pháp nhân thì cũng không làm thay đổi vị trí của pháp nhân là chủ thể có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh xác lập, thực hiện, pháp nhân là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, lợi ích liên quan trong tố tụng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay vốn với tổ chức tín dụng.
Do đó, để giải quyết vướng mắc về mã khách hàng trong hệ thống, tổ chức tín dụng có thể giải quyết theo hướng chi nhánh là chủ thể đứng tên vay vốn, nhưng có mã khách hàng là pháp nhân thành lập ra chi nhánh đó.