Hạn chế hay chấm dứt sở hữu chéo: Vấn đề là chúng ta muốn gì?

0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục bàn về các nội dung của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, trong số báo này, Báo Đầu tư trao đổi với GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) về vấn đề sở hữu chéo tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM)

GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi đề cập Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, đã nêu quyết tâm phải chấm dứt sở hữu chéo, chứ không phải hạn chế nữa. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đây thực sự là tin rất vui và đáng lý phải đến sớm hơn. Trước hết, chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng, giải quyết sở hữu chéo cần phải đặt trong khuôn khổ tổng thể các quy định để hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả và cạnh tranh.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đề cập khá nhiều thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giám sát các ngân hàng để ngăn sở hữu chéo, thao túng nhà băng. Tuy nhiên, không biết vô tình hay hữu ý, cứ thể như mọi căn nguyên vấn đề nằm ở chỗ tỷ lệ sở hữu cá nhân và người có liên quan nắm giữ cổ phần hiện nay quá cao, chỉ cần giảm mạnh chúng xuống sẽ giải quyết được vấn đề.

Sự nhận diện không xác đáng này có thể khiến không ai thấy “con voi trong phòng”, đã làm lệch hướng trọng tâm bức xúc của dư luận hàng thập kỷ nay, rằng tại sao đã có biết bao nhiêu thông tư, nghị định và đoàn giám sát của NHNN và bộ, ngành có liên quan, mà con bệnh vẫn ngày càng nặng thêm. Ngân hàng SCB là một ví dụ điển hình và có thể chỉ là bề nổi của tảng băng.

Luật cần thiết kế các quy định sao cho nhà băng phát triển ổn định, an toàn, nếu có thất bại thì cũng “thất bại trong an toàn” hoặc “thất bại thành công”. Ảnh: Đức Thanh
Luật cần thiết kế các quy định sao cho nhà băng phát triển ổn định, an toàn, nếu có thất bại thì cũng “thất bại trong an toàn” hoặc “thất bại thành công”. Ảnh: Đức Thanh

Theo ông, câu hỏi đúng để chấm dứt sở hữu chéo phải là gì?

Ngân hàng là một lĩnh vực đầy bí hiểm, nhưng không kém phần đam mê bởi nó mang lại quá nhiều lợi ích cho quốc gia. Một mặt, nhà băng quá đặc biệt đến mức, luật ngân hàng nhiều nước tạo ra một mạng lưới an toàn để nó không thất bại. Nhưng mặt khác, nó cũng cực kỳ mong manh vì sử dụng quá ít vốn chủ sở hữu, khiến các chủ nhà băng luôn có tâm lý kinh doanh liều lĩnh với cái giá phải trả của toàn xã hội. Điều này đặt ra sự cân bằng tế nhị. Một mặt, luật cần thiết kế các quy định sao cho nhà băng phát triển ổn định, an toàn, nếu có thất bại thì cũng “thất bại trong an toàn” hoặc “thất bại thành công” (không tốn tiền ngân sách giải cứu). Mặt khác, phải làm sao cho chủ nhà băng luôn cảm thấy sẽ bị mất mát quá lớn nếu chỉ thuần tuý chạy theo rủi ro.

Vì thế, theo tôi, câu hỏi đúng phải là làm sao kích thích đồng thời cả hai yếu tố trên. Nhà băng phải trở thành nơi phát triển lành mạnh, đầy đam mê cho những ai muốn phụng sự cho một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời, các nhà băng cần được thiết kế sao cho thất bại trong an toàn, nếu nó quá tệ đến mức gây hại cho toàn hệ thống thì đành phá sản.

Lâu nay, chúng ta hay dị ứng khi bàn về Luật Phá sản ngân hàng. Nhưng nếu tuyên truyền đúng để người dân hiểu rằng, Luật Phá sản ngân hàng là để cho nhà băng không phá sản hay “phá sản thành công”, thì dễ nhận được sự đồng thuận. Mọi thứ nằm trong câu từ. Nếu phá sản là từ nhạy cảm, chúng ta có thể gọi dưới một cái tên khác như luật hay các nghị quyết của Quốc hội về “xử lý” nhà băng (đã đề cập trong bài trước). Đứng ở góc độ này, để chấm dứt sở hữu chéo, các quy định tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng là chưa đủ.

Vậy giải pháp phải như thế nào, thưa ông?

Đây là vấn đề phức tạp, đến mức thật thiếu khiêm tốn để khẳng định đâu là giải pháp tối ưu. Một số quy định về cơ chế giám sát, can thiệp sớm và thẩm quyền của các cơ quan quản lý như NHNN, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu và của các chuyên gia cần được cân nhắc trong một khung khổ phù hợp.

Quan trọng nhất, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng nên tuân thủ thông lệ quốc tế phù hợp với đặc thù Việt Nam. Không vì đặc thù Việt Nam mà bỏ sót quá nhiều thông lệ quốc tế, vô hình trung mang lại quá nhiều lợi ích cho các chủ nhà băng. Còn cái gì không có lợi cho nhà băng, như các quy định chống sở hữu chéo theo các thông lệ quốc tế, thì lại không thấy đề cập, với lập luận rằng, nó là đặc thù Việt Nam, nên khó lắm hay không thể.

Ông có thể giải thích rõ, thế nào là thông lệ quốc tế chống sở hữu chéo mà Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng không đề cập?

Theo dõi diễn đàn Quốc hội, tôi thấy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra nhiều gợi ý khả thi, từ việc minh bạch đến từng quan hệ sở hữu nhà băng, tới các vấn đề mang tính kỹ thuật như các quy định kế toán và tiêu chuẩn báo cáo tài chính hợp nhất…

Sở hữu chéo là một mục tiêu di động, thậm chí tàng hình. Các chủ nhà băng có thể phân thân cổ phần thành cả phả hệ. Dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, nhưng họ vẫn có thể chi phối nhà băng dễ dàng như trở bàn tay. Để đối phó với mục tiêu di động, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lại chỉ hướng nòng pháo đến… điểm tựa cố định là hằng số bất biến về tỷ lệ sở hữu, thành ra bao năm qua cứ liên tục bắn trật mục tiêu. Nó vẫn cứ ngoài tầm ngắm của pháp luật bấy lâu và có thể tái diễn nặng hơn trong thời gian sắp tới nếu chúng ta không giải quyết hiệu quả tình trạng này.

Như vậy, cần phải có các công cụ di động để ngắm đúng mục tiêu?

Vâng, cũng gần đúng thế. Anh cứ tra cứu thử xem trên thế giới có luật ngân hàng nào đề cập chống sở hữu chéo như chúng ta hay không? Cá nhân tôi quan sát thấy, dường như sở hữu chéo chỉ là đặc sản của Việt Nam. Đó là vì luật ngân hàng và các đạo luật có liên quan ở nhiều nước tìm cách hướng đến thiết lập một mạng lưới phòng ngừa rủi ro từ sớm, từ xa dày đặc như thể mạng nhện để bắt lưới sở hữu chéo. Thậm chí, hầu hết các nước, như Mỹ, Anh, Trung Quốc… đều thành lập mô hình song đỉnh (peak twin) đặt nhà băng dưới sự giám sát không chỉ của ngân hàng trung ương, mà còn ở một tổ chức giám sát thận trọng khác.

Luật ở các nước khống chế tỷ lệ sở hữu tối đa vì nguyên tắc chống độc quyền, chứ không tìm cách giảm thấp nó còn một tí xíu để xử lý sở hữu chéo như ở nước ta. Ngược với chúng ta, tư duy làm luật của các nước là khuyến khích mục tiêu lộ diện, chứ không khuyến khích nó tàng hình. Luật nhiều nước thậm chí cho phép một cá nhân và những người có liên quan có thể sở hữu cổ phần lên đến trên hơn 20%. Thay vì kiểm soát một đàn cá lí nhí, họ chỉ cần nắm con cá mập đầu đàn để kiểm soát.

Về vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi thực tế hiện nay đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tương tự như tập đoàn tài chính hoặc công ty mẹ - con, nhưng công ty mẹ là tổ chức tín dụng hoặc tập đoàn có thành viên là ngân hàng thương mại đang bắt đầu xuất hiện ở nước ta.

Theo cách tiếp cận này, luật cần nắm kẻ có tóc, chứ không phải kẻ trọc đầu. Chẳng hạn, ngay từ khâu cấp phép ngân hàng, luật của nhiều nước quy định rất cụ thể “người nộp đơn xin phép theo luật định” phải đáp ứng những tiêu chí nào mới được cấp phép nhà băng. Người nộp đơn phải làm cam kết khẳng định sẽ cung cấp vốn chủ sở hữu “mạnh mẽ và không thể nghi ngờ”, đồng thời người nộp đơn phải lên kế hoạch chi tiết thoái lui hoặc phục hồi nhà băng nếu nó thất bại.

Anh thấy đấy, mọi thứ đều như quân cờ lật ngửa, phơi bày ra ánh sáng mọi thứ đàng hoàng, tử tế ngay từ đầu để khuyến khích chủ nhà băng cảm thấy vinh quang, đường đường chính chính ngay từ khi xin giấy phép nhà băng, chứ không phải thụp thò núp bóng. Mà chủ nhà băng thật sự không lộ diện cũng khó vì luật buộc họ bằng các cam kết mang tính răn đe mạnh.

Quan trọng nhất, các chủ nhà băng phải lên kế hoạch chi tiết về thoát và phục hồi nếu thất bại để được cấp phép. Định kỳ, ngân hàng trung ương sẽ tiến hành thực hiện các bài kiểm tra căng thẳng để xem nhà băng có chịu nổi không, nếu không phải bơm thêm vốn, cắt giảm cổ tức… như thế nào. Trong điều kiện này, ông chủ thật sự của nó phải lộ diện; nếu không, cơ quan quản lý được trao thẩm quyền thay đổi hội đồng quản trị bằng người khác hoặc trong trường hợp kế hoạch chấn chỉnh nhà băng không khả thi.

Nếu khai báo sở hữu không trung thực, gây hậu quả nghiêm trọng, cá nhân có thể bị tội hình sự và bị phạt tiền gấp nhiều lần thiệt hại. Mà thiệt hại ngành ngân hàng gây ra cho xã hội lớn đến mức có khi tính bằng phần trăm GDP. Răn đe như thế thử hỏi ai dám khai gian?

Đối chiếu với khoản 1, Điều 8, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng “Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”, anh sẽ thấy khái niệm “tổ chức” trong khoản 1, Điều 8 thật sự thiếu rõ ràng, không có chủ thể thực sự. Và anh sẽ hiểu tại sao sở hữu chéo dường như chỉ là đặc sản của hệ thống nhà băng Việt Nam.

Vậy Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng cần phải thiết kế như thế nào để chấm dứt sở hữu chéo, theo ông?

Thành - bại mọi thứ chung quy chúng ta muốn gì: muốn chấm dứt ngay sở hữu chéo, hay theo chủ thuyết tà tà như hàng thập kỷ qua? Chúng ta nên xem nhà băng và mục đích của nó là gì, có phải là nơi để bao bọc và đánh cuộc để hồi sinh?

Đã đến lúc, chúng ta cần dứt khoát khẳng định, ngân hàng là một bộ phận của chính sách công, là một loại hàng hóa công phục vụ tiện ích công cộng và mối quan tâm của công chúng. Sự thất bại hoặc biến mất của nhà băng gây ra hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế và niềm tin của người dân vào chính quyền.

Thậm chí, nhiều nước còn xem tài sản của nhà băng là cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia. Chẳng hạn, tháng 11/2021, Australia đã thông qua Đạo luật sửa đổi Luật An ninh “cơ sở hạ tầng quan trọng” với việc đưa tài sản ngành ngân hàng giống như một trong những cơ sở hạ tầng lõi của quốc gia vào Đạo luật để chính quyền có thêm nhiều quyền tự quyết bảo vệ “an ninh quốc gia” trước bất kỳ sự cố nào xảy ra với ngành ngân hàng.

Trước đó, vào năm 1987, Mỹ đã thông qua Đạo luật Ngân hàng bình đẳng cạnh tranh, cung cấp 10,8 tỷ USD để mở rộng quyền mua lại khẩn cấp các ngân hàng và quỹ tiết kiệm thất bại. Chúng ta thấy, luật ở nhiều nước đã trao cho chính quyền khá nhiều quyền tự quyết để bảo vệ niềm tin hệ thống ngân hàng rất uy lực, mạnh mẽ. Cách ứng xử của chính quyền như thế, nên nhà băng không bao giờ dám là nơi lưu trú lý tưởng cho các tay mơ, chứ đừng nói đến những kẻ kinh doanh liều lĩnh.

Mới đây nhất, vào tháng 3 năm nay, truyền thông quốc tế cho biết, sắp tới, Trung Quốc có thể tái lập Ủy ban Công tác tài chính Trung ương - cơ quan giám sát khu vực tài chính cấp cao trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Giới quan sát nhận định, đây có thể xem như là thời điểm kết thúc chủ nghĩa khoái lạc của các giới chủ nhà băng liều lĩnh ở đại lục.

Nếu tư tưởng mang tính thông lệ quốc tế và ý chí chính trị thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, xem ra, các thế lực thân hữu tìm cách thao túng nhà băng sẽ run sợ vì họ có thể mất tất cả. Lúc đó, chúng ta kỳ vọng, hệ thống nhà băng sẽ phát triển an toàn, hiệu quả và đến lượt nó tự động sẽ chấm dứt sở hữu chéo thao túng. Việc nhìn nhận đúng vai trò đặc biệt của nhà băng với tư cách là một tiện ích còn giúp các nhà đầu tư và nhà quản lý liêm chính, có đạo đức và có nghề bước vào ngành ngân hàng để mở ra một giai đoạn phát triển mới, an toàn cho hệ thống ngân hàng nước ta.

Tin bài liên quan