Vạch đỏ trong ảnh là tuyến đường hầm Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và đại biểu HĐND thành phố - Tổ đại biểu số 2 vừa có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa XV tại quận Hoàn Kiếm.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị, tập trung vào các vấn đề về cơ chế, chính sách, đời sống dân sinh, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, an toàn giao thông, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Liên quan việc xây dựng hầm đường bộ Chương Dương (nối Chương Dương Độ với Hồ Gươm), chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết đã giao UBND Hoàn Kiếm chỉ đạo, yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ phương án thi công. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành trước 10/10/2019.
Trước đó, ngày 19/10/2015, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 7366/UBND-NNNT, xin thỏa thuận với Bộ NNPTNT phương án thiết kế xây dựng hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Đô, quận Hoàn Kiếm (từ điểm giao cắt đường Trần Quang Khải đến phố Bạch Đằng, theo phương án mặt cắt 17,5 m, mở rộng chủ yếu về phía nam nhằm hạn chế tối đa GPMB).
Việc xây dựng hầm đường bộ, kết hợp đường cho người đi bộ, được thành phố Hà Nội định hướng nhằm giúp các phương tiện qua lại giữa khu vực trung tâm và ngoài đê được an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người đi bộ và các phương tiện.
Dự án được đầu tư từ nguồn 70% ngân sách thành phố và 30% từ UBND quận Hoàn Kiếm. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được giao làm chủ đầu tư thực hiện khảo sát lập dự án đầu tư. UBND thành phố Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng công trình này khoảng 90 tỷ đồng.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã trả lời trực tiếp một số ý kiến như: Về tổ chức không gian phố đi bộ và vùng phụ cận, Chủ tịch UBND TP cho biết, thành phố đang giao quận Hoàn Kiếm xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại không gian phố đi bộ này, dự kiến ban hành vào quý I/2019.
"Ngoài ra, với điều kiện hạ tầng hiện nay tại khu phố cổ, thành phố đang nghiên cứu tổng thể để thí điểm cải tạo 127 ô gầm cầu đường sắt, sắp xếp lại bãi đỗ xe trong đó có bãi đỗ xe ngầm, sau đó mới mở rộng không gian phố đi bộ”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay.
Về đề án giãn dân phố cổ, ông Nguyễn Đức Chung giải thích, Đề án bị chậm là do ban đầu nhà đầu tư không có năng lực. Vì thế, thành phố đã họp và giao quận Hoàn Kiếm kêu gọi xã hội hóa dự án theo tiêu chuẩn đặt hàng.