Ông Đoàn Hồng Quang

Ông Đoàn Hồng Quang

"Hai trụ" của kinh tế Việt Nam 2014

(ĐTCK) Bên cạnh các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế năm 2014 sẽ có sự đóng góp nhiều hơn của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. 

Đó là đánh giá của ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc các doanh nghiệp FDI vẫn phát triển mạnh sẽ “chèn ép” sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Theo tôi, khối doanh nghiệp FDI trong thời gian qua hoạt động rất tốt và đang có tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước thì đúng hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI đang có những hoạt động chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bằng cách phát triển công nghiệp phụ trợ và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là hai khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đang không có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Điều này có nghĩa là mình chưa tận dụng được cơ hội, chứ không phải doanh nghiệp FDI đang “chèn ép” doanh nghiệp Việt Nam.

 

Vậy lý do nào khiến các doanh nghiệp FDI hoạt động tốt, trong khi các doanh nghiệp trong nước lại đang rất chật vật để tồn tại?

Lý do vì hai khu vực có hai mảng thị trường rất khác nhau, đối tượng khách hàng cũng khác nhau. Cụ thể, doanh nghiệp FDI thường có những chuỗi sản xuất sản phẩm riêng của họ, nên họ tận dụng được những ưu đãi như nguyên liệu và khi bán hàng thì đã có sẵn thị trường mà họ xây dựng từ trước.

Ngoài ra, vì là doanh nghiệp nước ngoài nên họ có thể dựa vào nhiều nguồn tín dụng giá rẻ từ nước ngoài, mà không phụ thuộc vào nguồn tín dụng giá cao như các doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, đại bộ phận doanh nghiệp của ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong bối cảnh sức mua của thị trường trong nước giảm sút. Điều đó cũng nói lên là hai khu vực không có sự chồng lấn nhau, mà hoàn toàn là do doanh nghiệp của ta chưa tận dụng được sự lan tỏa của các doanh nghiệp FDI.

 

Phải chăng, thời gian qua, các doanh nghiệp FDI đã được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi hơn so với doanh nghiệp trong nước?

Tôi không nghĩ vậy. Thực ra, doanh nghiệp FDI có những lợi thế riêng mà các doanh nghiệp trong nước không tiếp cận được như trên tôi đã nói. Còn khung chính sách thì nhiều khi còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí còn có sự phân biệt đối xử giữa hai khối doanh nghiệp này.

 

Nhiều người cho rằng, sang năm 2014, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục dựa vào sự phát triển các doanh nghiệp FDI. Nhận định của ông như thế nào?

Tôi không có số liệu chắc chắn để làm căn cứ cho nhận định như vậy, nhưng tôi cho rằng, không hẳn nền kinh tế nước ta chỉ dựa vào sự phát triển của các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.

Nếu nhìn từ góc độ doanh nghiệp trong nước thành lập mới và các doanh nghiệp dừng hoạt động quay trở lại thị trường trong 11 tháng qua thì đã nhìn thấy dấu hiệu phục hồi ban đầu của các doanh nghiệp trong nước, nhất là khối doanh nghiệp dân doanh vốn có sức sống rất tốt.

Như vậy, động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế năm 2014 sẽ có sự đóng góp nhiều hơn của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

 

Mục tiêu tăng trưởng cho năm 2014 đã được xác định, nhưng điều kiện cần và đủ là sự ổn định đầu vào cho sản xuất, cụ thể là các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu… lại liên tục tăng. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

Tôi cho rằng, phải nhìn trên bình diện là ta đang trong lộ trình cải cách để hướng đến nền kinh tế thị trường, thì một phần trợ cấp của Nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu… sẽ giảm dần.

Còn nhìn từ góc độ thứ hai, nếu việc tăng giá đó mang tính chất có thể lường trước cho doanh nghiệp và có lộ trình tăng hợp lý, thì rõ ràng doanh nghiệp cũng phải có những kế hoạch để đối phó, chuẩn bị trước cho tình huống đó, chứ không thể bị động đến mức đợi Nhà nước tăng giá rồi lúng túng điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Tôi không tin các doanh nghiệp lại để bị động như thế. Vì vậy, theo tôi, nếu nhìn vào xu thế chung thì nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ tốt hơn năm 2013 và năm 2015 sẽ tốt hơn năm 2014.

>>Nhìn kinh tế từ các cú sốc chính sách

>>11 tháng, vốn FDI vượt 20 tỷ USD

>>Cứng rắn dẹp dự án FDI “lặng như tờ”