Ngày 06/02/2025, ông Hoàng Việt đã nộp đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT CTCP Tư vấn Đầu tư PP Enterprise (mã PPE), nhiệm kỳ 2023 – 2028 vì lý do cá nhân. Việc từ nhiệm của ông Việt sẽ được ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 dự kiến tổ chức vào ngày 14/02 của PPE xem xét, thông qua.
Ông Hoàng Việt được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT PPE từ ngày 30/11/2023. Theo báo cáo quản trị năm 2024 của PPE, đến cuối năm qua, ông Việt đang nắm giữ 399.000 cổ phiếu, tương ứng chiếm 19,95% vốn và là cổ đông lớn tại PPE.
Để bổ sung vào vị trí Thành viên HĐQT còn trống, PPE đã nhận được hồ sơ ứng viên của ông Trần Đức Hiệp, sinh năm 1979, trình độ cử nhân kế toán, kiểm toán viên. Hiện ông Hiệp đang giữ chức vụ CPA – Phó giám đốc Chi nhánh Long Biên, Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long – T.D.K. Trước đó, ông Hiệp từng có thời gian giữ chức vụ Trưởng ban kiểm soát tại PPE từ 11/2023 – 06/2024.
Dưới sự dẫn dắt của ông Hoàng Việt, trong năm 2024, PPE ghi nhận hơn 4,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023. Song lợi nhuận sau thuế tăng mạnh từ 744 triệu đồng lên xấp xỉ 3,1 tỷ đồng, nhờ khoản thu nhập khác gần 3,3 tỷ đồng mà năm ngoái không có.
Ngày 05/02/2025, CTCP Pin Hà Nội (mã PHN) công bố thông tin về việc ông Phạm Văn Nghĩa xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT và không tham gia các phiên họp của HĐQT từ ngày 10/02/2025 vì lý do cá nhân.
Trong thời gian chờ HĐQT bầu lại chức danh Chủ tịch HĐQT, cũng như được miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT, ông Nghĩa sẽ uỷ quyền cho ông Michael Lam, Thành viên HĐQT PHN chủ trì và thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT theo quy định hiện hành.
Ông Phạm Văn Nghĩa sinh năm 1961, nguyên quán Hà Nội. Ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PHN vào năm 2022. Theo BCTC quý IV/2024, tính đến cuối năm 2024, ông Nghĩa đang sở hữu 364.350 cổ phiếu PHN, tương ứng 5,02% vốn của PHN và là cổ đông lớn tại đây.
Năm 2024, PHN ghi nhận doanh thu thuần đạt 447,9 tỷ đồng và hơn 58 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 5,7% và 14% so với kết quả năm 2023. Riêng quý IV, PHN lãi sau thuế 9,1 tỷ đồng, giảm 27% do giá kẽm nguyên liệu đầu vào tăng trên 20% và Công ty tăng 8% đơn giá tiền lương so với cùng kỳ năm 2024, khiến chi phí tăng.
Vào ngày 03/02/2025, Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (mã CC1) đã nhận được đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Văn Huấn.
Trong đơn từ nhiệm, ông Huấn cho biết, CC1 Holdings (cổ đông lớn của CC1) đang trong giai đoạn đầu phát triển, nên ông cần dành nhiều thời gian hơn cho vai trò lãnh đạo CC1 Holdings để tiếp tục định hình và phát triển những lĩnh vực kinh doanh mới của CC1 Holdings. Hiện tại, ông không thể sắp xếp thời gian đảm nhận và hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ do HĐQT CC1 giao phó.
Không còn đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT, ông Huấn vẫn đồng hành cùng CC1 với vai trò Thành viên HĐQT sau khi từ nhiệm. Trước đó, vào tháng 1/2021, ông Huấn được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT CC1 nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường. Sau đó, đến tháng 06/2021, ông tiếp tục tái đắc cử vị trí này trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thay cho ông Huấn, ông Phan Hữu Duy Quốc, Thành viên HĐQT độc lập CC1 đã được bổ nhiệm giữ chức vụ cao nhất tại CC1. Ông cũng được biết là chuyên gia từng tham gia cố vấn cho dự án Metro số 1 tại TP.HCM, cầu Bình Khánh, đường Vành đai 3 và Vành đai 4.
Trong năm 2024, BCTC CC1 cho biết Công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 10.157 tỷ đồng, tăng 81% so với năm trước nhờ hoạt động xây dựng cốt lõi. Tuy nhiên, doanh thu tài chính kỳ này của CC1 lại sụt giảm gần 56%, còn hơn 351 tỷ đồng, do hoạt động chuyển nhượng các khoản đầu tư mang về khoản lãi ít hơn năm trước, dẫn đến, lãi ròng chỉ tăng hơn 9%, đạt gần 240 tỷ đồng.
Vừa qua, CTCP Cao su Hòa Bình (mã HRC) đã thống nhất miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2025 đối với ông Trần Khắc Chung. Ông Chung sinh năm 1968 có trình độ chuyên môn là cử nhân kinh tế, ông bắt đầu làm Chủ tịch HĐQT HRC từ tháng 04/2019. Sau đó, HRC đã bầu ông Nguyễn Văn Quang – Thành viên HĐQT thay thế ông Chung giữ vị trí trên.
Về kết quả kinh doanh, HRC mang về doanh thu thuần năm 2024 hơn 214 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Tuy nhiên lãi ròng lại gấp 3,9 lần năm trước, đạt gần 66 tỷ đồng, mức cao nhất trong 12 năm qua của doanh nghiệp kể từ năm 2013, do lợi nhuận khác đạt gần 38 tỷ đồng (năm ngoái chỉ đạt 6,7 tỷ đồng), chủ yếu từ cây cao su thanh lý. So với kế hoạch 2024 với tổng doanh thu hơn 175 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 5 tỷ đồng, HRC đã vượt 22% mục tiêu doanh thu và vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm.
Trước đó, trong tháng đầu năm 2025, ông Nguyễn Xuân Lam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện – CTCP (mã EMS) đã nộp đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT EMS để thực hiện công tác luân chuyển cán bộ của cổ đông lớn - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Theo báo cáo quản trị năm 2024, ông Lam đang là đại diện gần 41% vốn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tại EMS.
Ông Lam sẽ không còn là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT EMS kể từ ngày được ĐHĐCĐ chấp thuận đơn từ nhiệm. Trước đó, ông Lam được bầu làm Chủ tịch HĐQT EMS từ ngày 28/04/2022 nhiệm kỳ 2022 - 2027, như vậy, ông sẽ rời khỏi vị trí cao nhất EMS sau hơn 3 năm gắn bó.
Trong năm 2024, EMS mang về 1.848 tỷ đồng doanh thu thuần và xấp xỉ 66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2,8% về doanh thu và 1,5% về lợi nhuận so với năm 2023. Năm qua, ĐHĐCĐ EMS đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 2.130 tỷ đồng và 69,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả trên, EMS đã hoàn thành 95% mục tiêu lợi nhuận năm.
Ngoài những vị "thuyền trưởng" kể trên, trong những ngày đầu năm mới, thị trường cũng chứng kiến Chủ tịch của nhiều doanh nghiệp như TDH, CSV xin từ nhiệm khỏi vị trí cao nhất. Trong mỗi doanh nghiệp, vai trò Chủ tịch HĐQT sẽ quyết định hướng đi, ý chí, chiến lược kinh doanh và tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp. Vậy nên, sự rút lui của các lãnh đạo chủ chốt có thể sẽ dẫn đến những thay đổi mới của công ty mà nhà đầu tư nên theo dõi.