Hai tăng, ba giảm trong cơ cấu ứng viên đại biểu Quốc hội khoá XV

0:00 / 0:00
0:00
Một trong các tỷ lệ giảm là số ứng viên dưới 40 tuổi, gồm 224 người, chiếm 25, 81% (khóa XIV là 268 người, chiếm 30,8%).
Hội đồng Bầu cử quốc gia họp báo công bố danh sách 868 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Hội đồng Bầu cử quốc gia họp báo công bố danh sách 868 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Ngày 27/4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 868 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước.

Trong 868 ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV, tỷ lệ ứng viên nữ, người tái cử tăng, trong khi tỷ lệ người ngoài Đảng, trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số giảm so với khóa trước.

Kỳ bầu cử này, cả nước được bầu 500 đại biểu, theo quy định của luật, số dư tại mỗi đơn vị bầu cử ít nhất phải là 2 người, như vậy con số 368 ứng viên vừa đủ để mỗi đơn vị bầu cử có đủ số dư theo luật.

Phân tích về cơ cấu kết hợp chung của cả nước, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có 393 người ứng cử là nữ, chiếm tỷ lệ 45,28 %. So với con số 339 người trong 870 ứng viên của khoá XIV, thì tỷ lệ này đã tăng lên 6,31%.

Tỷ lệ nữa cũng tăng so với khoá trước là số đại biểu Quốc hội khóa XIV tái ứng cử 205 người, chiếm tỷ lệ 23,62%, khóa XIV có 168 người, chiếm tỷ lệ 19,31%.

Đáng chú ý, trong số các vị tái ứng cử, có ứng viên nếu tiếp tục đắc cử sẽ là đại biểu Quốc hội liền 6 nhiệm kỳ như Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Tỷ lệ giảm đầu tiên trong cơ cấu kết hợp là người ngoài Đảng ứng cử, với 74 ứng viên, chiếm tỷ lệ 8,53%. Số dư này vẫn đủ đề bầu đủ đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (5%-10%) theo yêu cầu tại Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV.

Khóa XIV có 97 ứng viên ngoài Đảng, bằng 11,15%. Trong số 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV có 21 người ngoài Đảng, giảm 4,2% so với khoá XIII. Một trong những người ngoài Đảng tham gia Quốc hội liền 4 khóa là nhà sử học Dương Trung Quốc. Lần này, ông không tái ứng cử, với lý do tuổi đã cao (75 tuổi).

Tỷ lệ giảm tiếp theo là người ứng cử là dân tộc thiểu số. Lần này có 185 người, chiếm tỷ lệ 21,31%, giảm 2,14% so với khoá XIV (204 người, chiếm 23,45%). Quốc hội đương nhiệm có 86 người dân tộc thiểu số (thiếu 4 người so với dự kiến).

Cũng giảm tỷ lệ là số ứng viên dưới 40 tuổi, gồm 224 người, chiếm 25, 81% (khoá XIV là 268 người, chiếm 30,80%).

Độ tuổi bình quân của 868 người ứng cử lần này là 46, người cao tuổi nhất là 77 tuổi. Trẻ tuổi nhất là hai ứng viên ở Điện Biên, đều 24 tuổi.

Đáng chú ý là hai ứng viên này đều ở đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Điện Biên, nghề nghiệp đều là nông dân, nhưng đều có trình độ cử nhân (đại học chuyên ngành công tác xã hội). Cụ thể, ứng viên Lò Thị An sinh ngày 10/5/1997, còn ứng viên Quàng Thị Nguyệt sinh ngày 1/11/1997.

Cùng tổ bầu cử này còn có ứng viên Lò Thị Nga, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giúp việc Đảng uỷ xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và Thượng tọa Thích Đức Thiện. Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Nguyễn Văn Thắng được sắp xếp ứng cử tại đơn vị này.

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV với số lượng 500 người.

Tin bài liên quan