TTCK Mỹ sau nhiều ngày tăng mạnh, đã có phiên điều chỉnh giảm ngay phiên đầu tuần (6/4).

TTCK Mỹ sau nhiều ngày tăng mạnh, đã có phiên điều chỉnh giảm ngay phiên đầu tuần (6/4).

Hai tâm lý thị trường: Lạc quan và thận trọng

(ĐTCK-online) Trong tuần qua, thông tin lạc quan được đăng tải về Hội nghị thượng đỉnh G20 đã hỗ trợ nhiều cho tâm lý nhà đầu tư trên khắp thế giới. Và như Financial Times bình luận, nhà đầu tư “chịu chơi”, chấp nhận mạo hiểm đã dựa vào làn sóng lạc quan này mà đẩy giá cổ phiếu lên cao. Tuy nhiên, cùng lúc đó, không ít nhà phân tích và chuyên gia nghiên cứu có tên tuổi tiếp tục lên tiếng cảnh báo đây chỉ là một đợt tăng trong thị trường theo xu hướng giảm giá.

Nước Mỹ: một ví dụ về sự tương phản

Cùng một lúc, dễ nhận thấy hai tiêu đề lớn xuất hiện trên các hãng tin có uy tín: tin về chỉ số S&P 500 tăng điểm sang tuần thứ 4 liên tiếp - lần đầu tiên từ năm 2007; và tin về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 8,5%, mức cao nhất trong 25 năm qua. Một sự tương phản rõ ràng về tình hình kinh tế và các phiên tăng điểm của TTCK. Giải thích sự khác biệt này nằm ở tâm lý hưng phấn sau Hội nghị G20, mà quan trọng là việc cam kết cung cấp một lượng tiền lớn 1.100 tỷ USD để vực dậy kinh tế thế giới. Mặt khác, thay đổi trong quy định về kế toán gắn với giá trị thị trường sẽ giúp cho báo cáo kinh doanh của các tổ chức tài chính “đỡ xấu” hơn, do đó giảm nhiều áp lực đối với việc bán cổ phiếu ngân hàng. Một nguyên nhân không nhỏ khiến chỉ số S&P 500 hồi phục là nhờ sự tăng điểm của khối cổ phiếu tài chính, mà phần quan trọng là do nhiều nhà đầu tư đóng vị thế bán lại.

 

Những người nổi tiếng và các chuyên gia nói gì?

Tổng thống Mỹ Obama xem động thái cam kết một khoản tiền lớn (mà phần lớn sẽ nằm trong túi Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) là “bước ngoặt” đối với kinh tế thế giới. Tỷ phú Lý Gia Thành của châu Á thì nhìn nhận, nếu còn tiền thì nên mua vào cổ phiếu và bất động sản để tích trữ (ông không khuyến khích đi vay để đầu tư). Xem ra những người lãnh đạo các nền kinh tế và những nhà kinh doanh lớn đang rất lạc quan về tương lai. Điều này là hợp lý, vì nếu không có tinh thần lạc quan, họ không đạt đến những vị trí như vậy với bao sóng gió đã trải qua. Ngoài ra, nếu họ cũng bi quan, thì những người được họ dẫn dắt sẽ biết thế nào?

Về phía khối chuyên gia, Ashraf Laidi, chuyên gia phân tích chủ chốt của CMC Markets lưu ý rằng, theo diễn biến quá khứ của đợt khủng hoảng năm 1930 và năm 2000 thì thị trường chưa thể hồi phục trước mùa Thu năm 2010. James Montier của Société Générale lo ngại rằng, đợt hồi phục hiện tại của thị trường thế giới không bền vững, mà nguyên nhân chính là do đợt hồi phục này chủ yếu đến từ khối cổ phiếu ngành tài chính, vốn chưa có gì là vững chắc, khối tài sản “độc hại” trong tay các tổ chức này vẫn là “bom nổ chậm”.

Ngược lại, Christopher Rupkey của Bank of Tokyo - Mitsubishi cho rằng, tín hiệu rất xấu của số liệu thất nghiệp tháng 3 tại Mỹ lại có thể là “tin tốt”. Theo nhà phân tích này, thông thường số liệu thất nghiệp sẽ đạt mức xấu nhất vào 2 tháng trước khi suy thoái đạt mức đáy của nó. Vậy là khối nhà phân tích cũng đang bất đồng ý kiến, khác hẳn bài đồng ca “bi quan” cách đây mấy tháng.

 

Lựa chọn “vai” nào: lạc quan hay thận trọng?

Khi mà các nhà phân tích bất đồng sâu sắc về chuyện bao lâu nữa thì thị trường hồi phục, nghĩa là lực cạnh tranh giữa xu thế lạc quan và xu thế thận trọng bắt đầu hình thành, còn lực tác động của xu thế sợ hãi đã không còn giữ vị thế quan trọng trên thị trường. Một mốc thời gian cũng đã hình thành: tháng 5. Theo quan điểm của khối lạc quan, kinh tế thế giới sẽ phát tín hiệu chạm đáy khủng hoảng vào tháng 5, đồng thời một số báo cáo phân tích kỹ thuật cũng dự đoán đáy của thị trường rơi vào tháng 5. Vậy, đối với khối lạc quan, họ sẽ đưa ra chiến lược đầu tư của mình với mục tiêu nhắm vào việc thị trường hồi phục trong tháng 5. Và họ bắt đầu mua vào từ bây giờ để đón “sóng lớn”. Trong khi đó, khối thận trọng sẽ ngồi yên quan sát và cũng nhắm vào những thay đổi trong tháng 5 rồi mới hành động. Nếu diễn biến kinh tế trong tháng 5 thật sự lạc quan, khối thận trọng sẽ hành động. Họ sẽ là lực đẩy của “sóng lớn”.

Người viết cho rằng, có hai tín hiệu quan trọng cần chú ý vào thời điểm này để lựa chọn cho mình vị trí người lạc quan hay người thận trọng. Thứ nhất, là về diễn biến của ngành xe hơi Mỹ. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Joseph Lavorgna thuộc Deustche Bank, nếu General Motors phá sản, có thêm 1 triệu việc làm mất đi và thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng đến 11%. Đây là con số “gây sốc” cho khối lạc quan.

Điểm thứ hai, là cân nhắc tình hình phục hồi sản xuất của riêng châu Á và Việt Nam . Trong tháng qua, PMI của Trung Quốc - chỉ số phản ánh tình hình sản xuất - đã quay trở lại trên mốc 50, phản ánh tình hình sản xuất của quốc gia này đang khôi phục và tăng trưởng lại. Đây là mốc quan trọng đối với niềm tin và hy vọng của khối kinh doanh. Nếu xem Trung Quốc là đại diện cho khối thị trường mới nổi thì điều này sẽ phản ánh tình hình sản xuất - kinh doanh đang tốt lên của châu Á. Và điều này cũng giải tỏa nghi ngại của các chuyên gia như James Montier: châu Á đang hồi phục không chỉ từ khối ngân hàng - tài chính, mà còn từ khối sản xuất. Vì vậy, đợt tăng của châu Á có thể là bền vững hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta chỉ mới có một đợt tăng trở lại trong tháng 3 của chỉ số này, và nó mới là của Trung Quốc. Với người thận trọng, cần quan sát thêm ít nhất một tháng nữa.

Số liệu PMI của Trung Quốc: tăng lại trên mốc 50 trong tháng 3

Hai tâm lý thị trường: Lạc quan và thận trọng ảnh 1
Chú thích: mức duới 50 nghĩa là tình hình sản xuất đang thu hẹp, trên 50 là đang mở rộng.

 Nguồn: Financial Times, Thomson Reuters

 

Tương tự, đối với số liệu của Việt Nam , nếu loại bỏ việc xuất khẩu vàng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, tốc độ tăng xuất khẩu không lấy gì làm tốt đẹp, và không có xuất siêu mà thật ra là nhập siêu. Quan trọng hơn, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta đều sụt giảm mạnh về số lượng và giá trị. Giả sử, trong những tháng tới, nếu quay lại nhập vàng thì không biết cán cân xuất nhập khẩu sẽ ra sao?

Nếu nhà đầu tư tin rằng, General Motors sẽ không phá sản và tình hình sản xuất đã phục hồi ở châu Á, và thương mại thế giới sẽ trở nên tốt hơn khi IMF được cam kết một lượng tiền lớn để thúc đẩy thương mại thế giới, thì vai trò lạc quan sẽ là phù hợp. Nếu nghi ngờ một trong những điều này, vai trò thận trọng sẽ phù hợp hơn. Nên nhớ, lực bán chốt lời và lực bán khống sẵn sàng quay lại trên các thị trường thế giới bất kỳ lúc nào khi có một trong những mối nghi ngờ trên xuất hiện. Trong tuần qua, nhà đầu tư phớt lờ các tin xấu vì chúng đã quá quen thuộc, nhưng trong tuần này, những tin xấu mới chưa hẳn là quen thuộc nữa sau một tuần chìm đắm trong tác động của tin tốt và hy vọng.

Lựa chọn vai nào trong trò chơi này phụ thuộc vào khả năng của từng người trong việc đánh giá thị trường, nhất là về mặt phân tích kỹ thuật thì thị trường đang chạm vào những mức cản quan trọng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện sóng điều chỉnh giảm. Rõ ràng, với mức tăng mạnh của thị trường trong tuần qua, việc mua vào cổ phiếu ở mức giá hiện tại với ý định lướt sóng ngắn hạn thì nhiều khả năng gặp sóng giảm hơn và dễ thua lỗ hơn.

Về dài hạn, người viết nhận thấy, sự lạc quan đang “sống lại”. Và nếu như vậy, khi nhìn về góc độ “sống lại” trong dài hạn, có thể bắt đầu quan tâm những cổ phiếu bị tác động nặng nề nhất trong khủng hoảng - cổ phiếu của những công ty thuộc ngành tài chính, và những công ty có liên quan đến kinh doanh bất động sản.