Năm 2010, nguồn vốn đầu tư dành cho các công trình giao thông dự kiến lên tới 70.000 tỷ đồng

Năm 2010, nguồn vốn đầu tư dành cho các công trình giao thông dự kiến lên tới 70.000 tỷ đồng

Hai sức ép từ kỷ lục giải ngân

Vượt qua kỷ lục giải ngân 30.429 tỷ đồng năm 2009 và tăng dần tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong cơ cấu vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) là hai nhiệm vụ lớn của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong năm 2010.

Sức ép từ kỷ lục giải ngân

Theo công bố của Bộ GTVT tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2009, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2010” (tổ chức ngày 11/1), tính đến hết ngày 31/12/2009, tổng nguồn vốn đầu tư được giải ngân tại các dự án hạ tầng trong toàn ngành đạt 30.429 tỷ đồng.

Nếu chỉ tính riêng các dự án do Bộ GTVT quản lý, khối lượng giải ngân đạt 29.280 tỷ đồng. Không chỉ vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm (25.000 tỷ đồng), mà đây còn là khối lượng giải ngân vốn đầu tư XDCB lớn nhất mà một bộ, ngành, hoặc địa phương từng đạt được.

“Bên cạnh việc góp phần tạo nên một khối lượng công ăn việc làm lớn cho các doanh nghiệp xây dựng, với phần lớn 34.000 tỷ đồng được giải ngân tại các dự án cầu đường được dùng để mua sắt, thép, xi măng…, Bộ GTVT đã có đóng góp trực tiếp trong thành công kích cầu, phục hồi nền kinh tế năm 2009”, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ghi nhận.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kỷ lục giải ngân năm 2009 đang tạo nên hai sức ép đáng kể cho việc thực hiện kế hoạch năm 2010 của Bộ GTVT khi đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng tiếp tục được xem là nhiệm vụ hàng đầu.

Việc tiếp tục duy trì mức giải ngân năm 2009 sẽ thực sự là thách thức lớn đối với Bộ GTVT trong năm 2010. Trong bối cảnh giá cả các loại nguyên vật liệu chủ chốt cho các dự án như: xăng, dầu, sắt, thép, nhựa đường… đang có xu hướng tăng, năm 2010, các dự án hạ tầng giao thông sẽ không còn được “yếu tố giá cả” nâng đỡ. Thực trạng này không chỉ khiến các nhà thầu gặp khó khăn, mà các chủ đầu tư sẽ phải đối diện với nguy cơ “đồng loạt vỡ thầu” do giá bỏ thầu vượt giá dự toán, khiến dự án bị đình trệ.

Sức ép thứ hai đối với Bộ GTVT chính là việc phải tránh cho công tác giải ngân vốn đầu tư phụ thuộc quá nhiều vào các khoản tạm ứng hợp đồng và tạm ứng vật liệu cho các nhà thầu như đã từng xảy ra trong năm 2009. “Kết quả giải ngân cao là tốt, nhưng Bộ GTVT phải thể hiện được sự tương quan hợp lý giữa chi phí, giá cả và chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Ngọc Long, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình giao thông trọng điểm, nhận xét.

 

Thách thức từ bài toán xã hội hoá đầu tư

Theo Bộ GTVT, năm 2010, nguồn vốn đầu tư dành cho các công trình giao thông dự kiến lên tới 70.000 tỷ đồng, trong đó, kinh phí do Bộ GTVT trực tiếp quản lý là 36.300 tỷ đồng, chiếm 9 –10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

“So với nhu cầu về vốn cho các dự án giao thông, tỷ lệ này còn rất thấp. Trong bối cảnh, vốn ngân sách nhà nước có hạn, nếu Bộ GTVT không nhanh chóng tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong cơ cấu vốn đầu tư, hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục trở thành điểm nghẽn của nền kinh tế ”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phân tích.

Được biết, trong tổng số 30.429 tỷ đồng vốn đầu tư cho các dự án giao thông được giải ngân năm 2009, các dự án BOT chỉ góp được 8.856 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2010, vốn ngoài ngân sách tại các dự án giao thông tăng lên khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu trừ đi số vốn ODA do Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ và đang được các nhà đầu tư vay lại của Chính phủ cho một số dự án đường bộ cao tốc, số vốn huy động thực tế từ xã hội còn lại không nhiều (khoảng 5.000 tỷ đồng).

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, tỷ suất sinh lời tại các dự án giao thông thường khá thấp là rào cản lớn nhất trong việc huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo hình thức BOT, BO, BT, PPP.

“Thu hút vốn đầu tư thuộc lĩnh vực tư nhân vào các dự án hạ tầng bao giờ cũng khó hơn việc tiêu tiền từ ngân sách. Thời gian tới, ngoài việc cùng các bộ, ngành hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định liên quan tới hình thức huy động vốn đầu tư PPP, Bộ GTVT phải làm tốt công tác chuẩn bị các dự án, trong đó phải thể hiện được các cơ hội thu lợi nhuận, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nhà đầu tư. Cần phải xác định rằng, dù chỉ huy động được 20 - 30% vốn bên ngoài cho một dự án cũng là đã quý”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Trước mắt, trong số 8 dự án đường bộ cao tốc đang mời gọi vốn đầu tư, Bộ GTVT đang đề nghị Chính phủ cho phép Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được thí điểm triển khai theo cơ chế PPP. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng này hiện đã được Tập đoàn Bitexco xin đăng ký đầu tư. Bộ GTVT hy vọng, nếu Dự án được triển khai thành công, sẽ mở ra hướng huy động vốn mới từ phía các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các dự án đường bộ cao tốc đang cần một lượng vốn lên tới 30 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.