Từ ngày 7-9/11, Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội xem xét kháng cáo của 4 bị cáo trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
4 bị cáo kháng án gồm Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU) và Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng dự án 3).
Hai bị án Phạm Hải Bằng (nguyên phó giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (Trưởng phòng dự án 3) được trích xuất với vai trò người làm chứng.
HĐXX nhận định, căn cứ lời khai tại cơ quan điều tra, các tài liệu, chứng cứ khác cũng thể hiện, với vai trò giám đốc qua từng thời kỳ, các bị cáo Lục, Đông và Hiếu đều được Phạm Hải Bằng báo cáo về việc nhà thầu Nhật Bản hỗ trợ chi phí. Với vai trò, quyền hạn của mình, các bị cáo có thể ngăn chặn cấp dưới nhưng lại bỏ mặc để Bằng, Duy và Thái nhận tiền, chi tiêu trái pháp luật và hưởng lợi cá nhân.
Quá trình điều tra, xét xử, bị cáo Lục và Hiếu không có thái độ khai báo thành khẩn. Cấp sơ thẩm áp dụng dưới khung là có cơ sở nên bác kháng cáo của 2 bị cáo này.
Khi xét xử phúc thẩm, bị cáo Thái, Đông thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tiếp tục khắc phục hậu quả.... là những tình tiết mới để giảm nhẹ mức hình phạt.
So với án sơ thẩm, bị cáo Thái được giảm 2 năm (từ 11 năm xuống 9 năm), Đông giảm 6 tháng tù (7 năm 6 tháng tù xuống 7 năm). Các bị cáo Lục nhận án 5 năm 6 tháng tù và Hiếu 7 năm 6 tháng tù.
HĐXX cho rằng, các bị cáo có chức vụ, quyền hạn được nhà nước giao phó giám sát thực hiện dự án, đại diện tư vấn, kỹ thuật đấu thầu giai đoạn 1 tuyến số 1 Dự án xây dựng đường sắt đô thị. Song, bị cáo Bằng có hành vi gợi ý, nêu khó khăn khi thực hiện hợp đồng số 1 yêu cầu nhà thầu Nhật Bản là JTK (liên doanh do JTC đại diện) nhận 11 tỷ đồng.
Về nguyên tắc, Việt Nam là bên chi trả cho các khoản tiền chi phí cho nhà thầu như buổi lễ, hội thảo... Nhưng vì lợi ích cá nhân, các bị cáo khéo léo lợi dụng hoạt động tập thể lấy tiền nhà thầu là trái quy định pháp luật. Số tiền trên được sử dụng, chi tiêu, để ngoài sổ sách là không minh bạch, thể hiện vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm.
Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại kinh tế, xã hội; quan hệ hợp tác trong việc triển khai, sử dụng vốn ODA, ảnh hưởng xấu trong dư luận và làm chậm tiến độ dự án.