Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009), trong đó, định hướng từng bước di dời các nhà máy xí nghiệp, kho tàng khu vực nội đô để dành đất xây dựng dịch vụ công cộng và bổ sung cây xanh. Khu đất cảng ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại.
Thực hiện định hướng này, tại các đồ án quy hoạch phân khu các quận, thị trấn, đô thị mới và quy hoạch chung nông thôn mới các xã được duyệt về cơ bản đã quy hoạch khu vực nhà máy, kho tàng hiện trạng ngoài khu, cụm công nghiệp thành các loại đất đơn vị ở, đất công cộng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật.
Theo UBND TP. Hải Phòng, đến nay, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023), tiếp tục định hướng di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, vào các khu, cụm công nghiệp để chỉnh trang, tái thiết đô thị, ưu tiên bổ sung diện tích công viên cây xanh và sân chơi, công trình công cộng, hạ tầng xã hội.
Nhằm thực hiện thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương và điều chỉnh địa giới một phần huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng giai đoạn 2024-2025, UBND TP. Hải Phòng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 quận Hồng Bàng đến năm 2040 (quyết định 2967/QĐ-UBND ngày 2/10/2023) và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực đô thị An Dương (quyết định 515/QĐ-UBND ngày 23/2/2024). Trong đó, khu vực phía Tây - Nam khu công nghiệp Vật Cách và An Hồng phía tiếp giáp với quốc lộ 5 cũ được quy hoạch đất đơn vị ở, cây xanh đô thị.
Để đẩy nhanh tiến độ phát triển, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch được duyệt, việc di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) và xã An Hồng (huyện An Dương) ra khỏi đô thị là cần thiết. Để các doanh nghiệp không bị động khi thành phố thu hồi đất thực hiện quy hoạch này, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao UBND quận Hồng Bàng và huyện An Dương thông báo, hướng dẫn các doanh nghiệp có liên quan (8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép) khẩn trương có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan và xã An Hồng vào các khu, cụm công nghiệp tập trung và hoàn thành việc di chuyển trong năm 2025.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Hồng Bàng và huyện An Dương không thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất đối với các doanh nghiệp tại khu vực này khi hết thời hạn thuê đất, giao đất theo quy định.
Theo thông báo từ UBND quận Hồng Bàng, quận đã có yêu cầu các cơ sở sản xuất, kho của các doanh nghiệp thép dọc quốc lộ 5, thuộc địa phận phường Quán Toan di dời vào các khu cụm công nghiệp tập trung trong năm 2025. Thống kê từ UBND quận Hồng Bàng cho biết, tại khu vực trên hiện có 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép đang quản lý sử dụng khoảng hơn 50 ha đất thuộc diện di dời. Trong đó, phần diện tích thuộc địa phận phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) hơn 36 ha, phần diện tích thuộc địa phận xã An Hồng (huyện An Dương) hơn 14,2 ha.
Tại khu vực này, ngoài Công ty cổ phần thép Trung Kiên là doanh nghiệp kinh doanh thép, số còn lại đều là doanh nghiệp sản xuất thép. Trong số các doanh nghiệp được yêu cầu di dời, Công ty TNHH ống thép Việt Nam đang sử dụng hơn 3,3 ha đất sản xuất, hạn sử dụng đến hết năm 2033.
Còn Công ty Liên doanh sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt Úc) đang sử dụng hơn 5,5 ha đất xây dựng văn phòng làm việc, xưởng sản xuất, kho cán luyện thép, thời hạn đến hết năm 2025.
Ngoài ra, 5 doanh nghiệp còn lại đều đã dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, có doanh nghiệp đã bị thu hồi, có doanh nghiệp đã chuyển nhượng một phần tài sản cho đơn vị khác.
Cụ thể, Công ty cổ phần thép cơ khí vật liệu xây dựng góp vốn liên doanh với nước ngoài trong Công ty VSC - POSCO sử dụng 60,093 ha đất vào mục đích xây dựng dây chuyền cán thép 350.000 tấn/năm, thời hạn sử dụng đất đến 11/7/2016. Từ 29/4/2022, UBND TP. Hải Phòng đã có quyết định thu hồi đất của doanh nghiệp này, doanh nghiệp đã tháo dỡ, di chuyển tài sản, bàn giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Công ty Sản xuất Thép Úc SSE sử dụng 43,9 ha đất vào mục đích xây dựng nhà máy sản xuất kết cấu thép, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2007, thời hạn sử dụng đất đến tháng 8/2027. Tuy nhiên, theo xác định của UBND quận Hồng Bàng thì trên khu đất có các nhà xưởng, kho tàng những doanh nghiệp này đã đóng cửa không hoạt động.
Một góc nhà xưởng luyện thép, cán thép do Công ty Thép Cửu Long thuê sử dụng. |
Công ty TNHH phôi thép Úc (doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái SSE) đang quản lý sử dụng khu đất 7,2 ha (phía sau khu nhà xưởng của SSE) để xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép, thời hạn sử dụng đất đến tháng 10/2027. Tuy nhiên, kể từ khi giải phóng mặt bằng xong doanh nghiệp này chưa thực hiện dự án.
Công ty cổ phần thương mại thép Hải Phòng - HPS (thép Việt - Nhật) sử dụng 43,3 ha đất vào mục đích xây dựng nhà máy cán thép HPS, thời hạn sử dụng đến tháng 12/2032. Tuy nhiên, hiện trạng chỉ có các nhà xưởng, kho tàng, sân bãi chứ doanh nghiệp này đã đóng cửa, không hoạt động tại đây từ nhiều năm.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Công nghiệp nặng Cửu Long (Công ty cổ phần Thép Cửu Long) sử dụng hơn 19,4 ha đất, trong đó có 14,2 ha nằm trên địa bàn xã An Hồng (huyện An Dương), còn lại hơn 5,2 ha nằm trên địa bàn phường Quán Toan (quận Hồng Bàng). Mục đích sử dụng là xây dựng nhà máy luyện phôi thép và nhà máy cán thép tấm, thời hạn sử dụng đến tháng 3/2043.
Tuy nhiên, công ty này đã chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất (rộng hơn 13,8 ha) cho Công ty TNHH Inox Nguyễn Minh. Tuy nhiên, Công ty TNHH Inox Nguyễn Minh đang khai thác, sử dụng nhà xưởng, nhà kho gắn liền với đất nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền thuê đất theo quy định. Gần 6 ha còn lại, Công ty cổ phần Thép Cửu Long vẫn đang khai thác sử dụng nhà xưởng, nhà kho gắn liền với đất, nhưng chưa được UBND TP. Hải Phòng cho thuê đất theo quy định.