Hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là cơ chế hợp tác được sáng lập từ năm 2004.
Trải qua gần 20 năm phát triển với 9 lần Hội nghị, hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố đã khẳng định tính hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh thành viên trên các lĩnh vực giao lưu hữu nghị, kết nối giao thông, thương mại, du lịch, văn hóa nghệ thuật… ngày càng đi vào chiều sâu và không ngừng được nâng cao, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.
Quang cảnh Hội nghị |
Hội nghị Hành lang Kinh tế Việt - Trung năm 2023 hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương, đề ra các nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của các bên.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, vì mục tiêu cùng hỗ trợ, chia sẻ và phát triển chung, thành phố Hải Phòng sẽ tăng cường mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt – Trung. Trong đó, hệ thống cảng biển là thế mạnh của Hải Phòng, giúp ngành vận tải, logistics ngày càng phát triển, đưa hàng hóa trong nước đi thẳng đến các thị trường quốc tế, khẳng định khả năng vận tải lớn nhất khu vực miền Bắc.
Ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Hồng Mạnh |
Các tuyến đường cao tốc rút ngắn khoảng cách với Thủ đô Hà Nội và các địa phương Lào Cai – Hạ Long hình thành trục thông suốt, giảm chi phí vận tải trong khu vực. Hải Phòng cũng là địa phương thu hút lớn đầu tư nước ngoài.
Nhờ những thế mạnh đó, Hải Phòng xác định tập trung phát huy vai trò là thành viên của hành lang kinh tế các địa phương Việt Nam - Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối, xúc tiến đầu tư, hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch giữa các bên nhằm tìm ra hướng đi đột phá trong cơ chế, chính sách hợp tác trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp , nhà đầu tư các bên sang đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và sản phẩm du lịch,thúc đẩy mở lại đường bay từ Hải Phòng đi Côn Minh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đồng thời xúc tiến du lịch giữa TP. Hải Phòng và tỉnh Vân Nam; Khai thác các tuyến du lịch kết nối giữa hai quốc gia, phối hợp xây dựng các tour du lịch giữa Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Lào Cai - Vân Nam; phối hợp với các địa phương có liên quan cùng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng góp phần thúc đẩy hợp tác trong hai hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tiếp tục hợp tác đào tạo, giao lưu, trao đổi giáo viên, học sinh, sinh viên giữa các tỉnh hành lang phía Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc...
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối, hợp tác trên những lĩnh vực kinh tế, thương mại, chú trọng kết nối, xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng khu thương mại tự do, các trung tâm thương mại hiện đại, trung tâm tài chính ngân hàng . Đồng thời, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do.
Làm rõ vai trò của địa phương duy nhất của Việt Nam có đường biên giới đất liền, trên biển, trên không với Trung Quốc, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh là cửa ngõ trung chuyển, vận chuyển đa phương thức, kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.
Ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Phương |
Với việc đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động cảng Vạn Ninh trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh sẽ là mắt xích quan trọng kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế với các địa phương khác của Việt Nam cùng với các địa phương khác của Trung Quốc thông qua tuyến hàng hải quốc tế. Tỉnh Quảng Ninh với Vân Nam tuy không chung biên giới nhưng có nhiều ưu thế trong hợp tác phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, giáo dục...
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hợp tác, ông Khắng đề nghị các địa phương tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn cấp lãnh đạo tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tăng cường tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch và lễ hội truyền thống giữa hai bên.
Tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Vân Nam sẽ cùng phối hợp để sớm mở đường bay kết nối; tích cực hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp hai bên đầu tư trong lĩnh vực logistics, kết nối các cửa khẩu quốc tế quan trọng, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, quảng bá, xúc tiến kết nối du lịch; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, y tế .
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh còn có đề xuất Chính phủ xem xét đầu tư tuyến đường sắt trục phía Đông – Bắc, kết nối thẳng Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc); tạo mạng lưới giao thông tổng hợp, đa dạng hóa phương thức vận chuyển (đường bộ, đường hàng không, đường biển) thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ký kết Biên bản Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) |
Tại Hội nghị cũng diễn ra Lễ ký kết biên bản hội nghị, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các bên; đồng thời đánh giá lại việc thực hiện các nội dung hợp tác trong Biên bản Hội nghị lần 9, bàn biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác trong thời gian tới, góp phần thúc đầy tăng trưởng kinh tế của các tỉnh thành viên và hợp tác có lợi cho các bên trong Hành lang kinh tế này.