Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương 'được mùa' thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
Hải Phòng, Quảng Ninh đang là 2 địa phương dẫn đầu trong bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi thu hút FDI tại Hải Dương vượt nhiều lần kế hoạch năm.
Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương 'được mùa' thu hút FDI

Việc chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư… đã trực tiếp tạo tác động tích cực đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này là, trong thời gian gần đây, các dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng liên tục tăng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tính đến trung tuần tháng 11/2023, Hải Phòng đã cấp mới 62 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 3.102 triệu USD, bằng 183,07% so với cùng kỳ năm trước, bằng 155,1% so với kế hoạch năm. Lũy kế đến hết tháng 11/2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng thu hút 511 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 25.933 triệu USD.

Theo thống kê, trong tổng số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký vốn FDI tại Hải Phòng, thì Hàn Quốc vẫn là quốc gia đứng đầu về cả số dự án và vốn đầu tư (khoảng 11 tỷ USD, với 105 dự án).

Chia sẻ tại buổi trao giấy chứng nhận mở rộng đầu tư, ông Cho Ji Tae, Phó chủ tịch Tập đoàn LG Innotek cho rằng, những nỗ lực của Việt Nam nói chung và của Hải Phòng nói riêng trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là lý do hàng đầu giữ chân các nhà đầu tư như chúng tôi ở lại địa phương.

Còn với tỉnh Quảng Ninh, trong 10 tháng, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 24 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho một dự án. Riêng tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 34.657 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).

Mới đây, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh - Nhật Bản năm 2023, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhiều dự án FDI Nhật Bản trên địa bàn tỉnh, gồm Dự án Nhà máy sản xuất cơ khí chính xác Castem Việt Nam, Dự án Parts Seiko Việt Nam, Dự án Nhà máy Tamagawa Việt Nam, Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp Fujix Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, tổng vốn FDI thu hút vào các khu công nghiệp, khi kinh tế của tỉnh Quảng Ninh là 3,103 tỷ USD (tương đương trên 72.910 tỷ đồng), đạt 258,57% chỉ tiêu thu hút vốn FDI được UBND tỉnh giao. Lần đầu tiên, Quảng Ninh thu hút vượt ngưỡng 3 tỷ USD vốn FDI, đồng thời vượt qua các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM..., đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong 10 tháng năm 2023.

Với tỉnh Hải Dương, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh này, từ đầu năm đến ngày 12/11, các khu công nghiệp trong tỉnh thu hút 889,16 triệu USD vốn FDI, vượt gần 4,5 lần kế hoạch năm.

Cụ thể, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án FDI mới, với tổng vốn đầu tư 771,39 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 26 lượt dự án FDI, với tổng vốn tăng thêm 117,77 triệu USD.

Đến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút 278 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,87 tỷ USD.

“Thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã tích cực rút ngắn các thủ tục hành chính. Việc cấp phép đầu tư cho các dự án mới đã được rút ngắn xuống còn 5-10 ngày, thay vì 15 ngày theo quy định; 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn. Ban cũng thường xuyên phối hợp các sở, ban, ngành trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương thông tin.

Tin bài liên quan