Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Hải Phòng nghiên cứu thành lập khu kinh tế ven biển mới, rộng 20.000 ha

0:00 / 0:00
0:00
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tổng diện tích dự kiến của Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng là khoảng 20.000 ha, tại các quận, huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Đồ Sơn.

Đây sẽ là khu kinh tế ven biển thứ hai của TP. Hải Phòng, sau Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được thành lập năm 2008, theo chia sẻ của ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ở Hội thảo 30 năm phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế Hải Phòng và định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng diễn ra sáng nay (12/9) tại TP. Hải Phòng.

Hải Phòng có vị trí địa kinh tế chiến lược, hội tụ 5 phương thức vận tải và có hậu phương công nghiệp là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, là điểm cuối ra biển của các tuyến hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Đây là lợi thế quốc gia tạo nên động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước và Vùng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Thành phố Càng khẳng định vị thế là trung tâm kết nối, hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, Trung ương và TP. Hải Phòng đã từng bước triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cảng quốc tế, đường cao tốc, sân bay. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện là cơ sở để khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế của Thành phố. Cùng với những chính sách ưu đãi của KKT Đình Vũ – Cát Hải, Thành phố đã trở thành một trong những trọng điểm thu hút nguồn vốn FDI, triển khai các dự án và tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Hiện, KKT Đình Vũ – Cát Hải đã thu hút đạt gần 31 tỷ USD (301 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 19,3 tỷ USD và 168 dự án trong nước với tổng vốn gần 300.000 tỷ đồng), tổng số lao động khoảng 200.000 người; trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư của thành phố như Tập đoàn LG, Pegatron, Regina Miracle, Fujifilm, Kyocera... và một số nhà đầu tư trong nước như Vinfast, Geleximco, Xuân Cầu...

Bản đồ KKT Đình Vũ - Cát Hải và các KCN trên địa bàn Thành phố Hải Phòng.
Bản đồ KKT Đình Vũ - Cát Hải và các KCN trên địa bàn Thành phố Hải Phòng.

Các quận, huyện có địa bàn thuộc phạm vi KKT Đình Vũ – Cát Hải đón nhận cơ hội và động lực tăng trưởng. Giai đoạn 2011 – 2020, tổng vốn đầu tư trên địa bàn các quận, huyện An Dương, Thủy Nguyên, Cát Hải và Hải An chiếm 68% tổng vốn đầu tư toàn thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của các quận, huyện đạt cao trên 10%, đặc biệt huyện An Dương đạt 27,8%, Hải An đạt 21%, Thủy Nguyên đạt 14,9%, Cát Hải đạt 12,64%. Thu ngân sách năm 2020 so với năm 2010 tăng mạnh: An Dương gấp 3,2 lần, Hải An gấp 3,23 lần, Thủy Nguyên gấp 7,5 lần, Cát Hải gấp 9,2 lần.

Cùng với định hướng phát triển khu vực ven theo đường cao tốc ven biển, khu vực cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng, việc thành lập KKT thứ 2 của Thành phố sẽ là một giải pháp quan trọng nhằm tận dụng tối đa lợi thế từ các khu vực trên. Đồng thời, tranh thủ dư địa phát triển từ các KCN, KKT hiện tại của Thành phố nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các định hướng phát triển đã được Bộ Chính trị giao cho Thành phố. Từ đó, góp phần phát triển Thành phố theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; thực sự trở thành động lực tăng trưởng đột phá cho cả vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, căn cứ các những quy định về việc thành lập KKT, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023, Ban Quản lý đã rà soát, đề xuất khu vực phát triển KKT mới tại TP. Hải Phòng tại khu vực phía Nam cửa sông Văn Úc, khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn, khu vực dịch vụ logistics, công nghiệp, sân bay Tiên Lãng nhằm kết nối với đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng dự kiến sẽ hình thành trong tương lai. Đồng thời, nghiên cứu lồng ghép phát triển khu thương mại tự do trong quá trình nghiên cứu thành lập KKT mới.

Đề xuất phương án Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng.
Đề xuất phương án Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng.

Theo đó, tổng diện tích dự kiến của KKT mới là khoảng 20.000 ha, tại các quận, huyện: Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Đồ Sơn. Cụ thể, tại huyện Kiến Thụy: toàn bộ xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Ngũ Phúc; Huyện An Lão: một phần xã An Thọ, Chiến Thắng; Huyện Tiên Lãng: toàn bộ xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh; Huyện Vĩnh Bảo: toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am; Quận Đồ Sơn: một phần phường Bàng La.

Ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương thì cho rằng: “Muốn một địa phương, nền kinh tế tăng trưởng để tạo ra sự thịnh vượng cho người dân thì ở đó tốc độ tăng trưởng bình quân phải đạt 9-10% và kéo dài liên tục trong nhiều năm liền. Như vậy, cần phải có động lực tăng trưởng và duy trì được dài hạn. Việc xây dựng nhiều KKT, thậm chí là KKT tự do sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới. Vì sắp tới đây, thể chế kinh tế toàn quốc cũng phải thay đổi, nếu thể chế kinh tế không thay đổi thì không thể thúc đẩy động lực tăng trưởng. Và các địa phương phải vì sự phát triển kinh tế mà đi đầu, đi trước trong việc tạo ra một không gian phát triển mới. Và phải có những KKT như thế. Từ đó, có công cụ để thu hút các nhà đầu tư thế hệ mới, chắc chắn, KKT này như một trong những cách thức để thu hút đầu tư, sử dụng đầu tư có hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng mới cho Hải Phòng”.

Đề án khu kinh tế phía Nam Hải Phòng sẽ được vận dụng chính sách, cơ chế theo các khu thương mại tự do đã thành công trên thế giới. Khu kinh tế mới sẽ có các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, hai trung tâm logistics ở Kiến Thụy và Tiên Lãng cùng hệ thống cảng dọc sông Văn Úc. Trong phạm vi KKT mới dự kiến thành lập đã có một số KCN được xác định trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đó là, KCN Tân Trào (500-550 ha), KCN Ngũ Phúc (450-500 ha), KCN Tiên Lãng 1 (600-700 ha), KCN Tiên Lãng 2 (500-550 ha), KCN sân bay Tiên Lãng (450-500 ha), Khu vực phát triển công nghiệp Trấn Dương – Hòa Bình (800 - 900 ha) hiện nay đều đang trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, chưa thực hiện các thủ tục để thành lập.

Do đó, việc thành lập KKT tại khu vực này không dẫn đến các vấn đề phát sinh do thay đổi về địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định (bao gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế nhập khẩu và ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất).

“Việc thành lập KKT mới như trên nhằm tận dụng những dư địa phát triển của các khu công nghiệp và KKT Đình Vũ – Cát Hải hiện tại; khai thác hiệu quả định hướng phát triển tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới; kết nối hiệu quả với các KKT lân cận (Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn) để tạo thành chuỗi KKT ven biển, trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Hồng”, ông Kiên khẳng định.

Tin bài liên quan