Phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng - cơ quan thường trực giúp UBND TP. Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch, quan điểm phát triển TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030 có 3 điểm chính.
Thứ nhất, là chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế độc nhất vô nhị về cảng biển của Thành phố đối với cả miền Bắc, trước hết là Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Đồng bằng sông Hồng, xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, mở cửa ra bên ngoài, phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tổng giá trị xuất nhập khẩu 345.500 triệu USD năm 2020 qua 5 cảng lớn trên cả nước, có gần 113.500 USD qua cảng Hải Phòng, chiếm gần 33%.
Cảng Hải Phòng có “hậu phương” là nền sản xuất công nghiệp của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, mở rộng ra toàn miền Bắc (từ Bắc Trung bộ trở ra). Trong xu thế phát triển nền kinh tế mở, không gian “hậu phương công nghiệp” của Hải Phòng còn có thể mở ra vùng Tây Nam Trung Quốc, trực tiếp là hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Đây là lợi thế mang tính độc quyền của cảng Hải Phòng, mà không địa phương nào ở miền Bắc có được.
“Vì vậy, Hải Phòng phải chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế độc nhất vô nhị này để phát triển lên ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, như yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh.
Thứ hai, là thí điểm xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng, áp dụng những cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển nhanh và hội nhập, làm cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế, mở rộng ra các địa phương khác và toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, việc phát triển phải đi thẳng vào một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại được lựa chọn để Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.
Giải quyết 3 vấn đề lớn về nguồn lực
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, tại Dự thảo Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kịch bản tăng trưởng kinh tế (phương án được lựa chọn) đặt ra mức tăng trưởng bình quân 14%/năm trong suốt 10 năm. Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng phải giải quyết được 3 vấn đề lớn về nguồn lực.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế của TP. Hải Phòng
Đến năm 2025: Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 6,4%; tỷ trọng đóng góp vào GDP Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ là 23,7%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu đạt 14%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 274 triệu đồng (giá hiện hành).
Đến năm 2030: Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; đóng góp vào GDP Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ là 28,3%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 tối thiểu đạt 14%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 567 triệu đồng (giá hiện hành).
Về huy động vốn, theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, nhu cầu vốn cho phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2,9 triệu tỷ đồng và cả thời kỳ 10 năm 2021 - 2030 khoảng 4,1 triệu tỷ đồng (giá hiện hành).
Riêng giai đoạn 2021 - 2025, kết quả tổng hợp nguồn vốn đầu tư từ một số công trình, dự án trọng điểm đã xác định được là khoảng 500.000 tỷ đồng, trong đó 73.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương (14,6%); 427.000 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, kể cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (85,4%). Như vậy, cần huy động thêm khoảng 700.000 tỷ đồng.
“Quy hoạch sớm hoàn thiện và được phê duyệt sẽ tạo động lực lớn để Hải Phòng thu hút dòng vốn phục vụ nhu cầu phát triển của Thành phố”, ông Long nhấn mạnh.
Về phân bổ nguồn lực đất đai, Hải Phòng là một trong những địa phương đóng vai trò động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước, nên nhu cầu chuyển một phần đất nông nghiệp (hiệu quả kinh tế thấp) sang đất công nghiệp, đất làm kho bãi, bến cảng, giao thông, đất đô thị... (hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần) là rất cần thiết. Nội dung này đã được đặt ra và làm rõ trong Quy hoạch, làm cơ sở thu hút nhà đầu tư phù hợp.
Về nguồn nhân lực, đây là yếu tố không thể thiếu để thực hiện thành công kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Hải Phòng đang có nguy cơ bị thiếu hụt nguồn nhân lực nên cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút lao động, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhiều lần nhấn mạnh: công tác quy hoạch là rất quan trọng, làm gì cũng cần có quy hoạch; có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt. Trên tinh thần đó, TP. Hải Phòng đã và đang liên tục cập nhật những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành trung ương, của người dân và doanh nghiệp để sớm hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.