Hải Phòng đón nguồn cung bất động sản công nghiệp lớn

Hải Phòng đón nguồn cung bất động sản công nghiệp lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hải Phòng đang thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hàng loạt dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp mới.

Hạ tầng tốt - nguồn vốn tăng

Vài năm gần đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm của khu vực Bắc Bộ và cả nước, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của TP. Hải Phòng, kết nối các địa phương trong vùng, khu vực và quốc tế đã được đưa vào sử dụng. Có thể điểm tên như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được nâng cấp theo tiêu chuẩn sân bay hiện đại cấp 4E (ICAO). Đường, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện kết nối với huyện Cát Hải, Nhà máy ô tô Vinfast; hai bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã đón tàu trọng tải lên tới 200.000DWT, đưa hàng hóa xuất khẩu đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ...

Những dự án giao thông trọng điểm này đều được hoàn thành trong giai đoạn 2015 - 2020. Và đây cũng chính là giai đoạn ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục của dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng. Cụ thể, tính từ năm 2015 đến tháng 5/2020, tổng vốn FDI mà Hải Phòng thu hút được đã đạt 8,5 tỷ USD - chiếm 56% tổng vốn FDI thu hút lũy kế từ khi thành lập các khu công nghiệp (1994) tại địa phương này cho đến nay. Dòng vốn FDI trong giai đoạn này cũng có sự thay đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các dự án quy mô lớn về vốn đầu tư, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Các sản phẩm được tạo ra có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới như: Tập đoàn LG Hàn Quốc với 4 dự án lớn (LG Display, LG Electronics, LG Innotek, LG Chem) tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, Tập đoàn Brigestone (Nhật Bản) vốn đầu tư 1,224 tỷ USD, Regina Miracle (Hồng Kông - Trung Quốc) vốn đầu tư 900 triệu USD và một số dự án lớn khác như Dự án GE đến từ Mỹ, các dự án như Roze Roboted, Nipro Pharma, Kyocera, Fuji Xerox đến từ Nhật Bản…

Đầu tư trong nước tại Hải Phòng vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng đã có bước phát triển đột phá với điểm nhấn là năm 2017 đã thu hút được Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup. Dự án này đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng vốn đầu tư đăng ký 70.337 tỷ đồng.

Nguồn cung dồi dào

Theo ghi nhận của Công ty TNHH Jones Lang Lasalle (JLL Việt Nam), thị trường phía Bắc không ghi nhận khu công nghiệp mới nào đi vào hoạt động trong quý I/2020. Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn được JLL Việt Nam đánh giá là 1 trong 2 địa phương tại miền Bắc có nguồn cung lớn và vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường bất động sản công nghiệp tại khu vực này.

Với quy hoạch đã được phê duyệt, Hải Phòng có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.556 ha. Trong đó, đã có 11 khu công nghiệp (Nomura, Đồ Sơn, Đình Vũ, MP Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP, Nam Cầu Kiền, Nam Đình Vũ I, Nam Đình Vũ II, Khu công nghiệp và dịch vụ Hàng hải, An Dương) đang hoạt động và đã được đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh các khu công nghiệp hiện hữu, hiện Hải Phòng đã hoàn thành Đề án điều chỉnh địa giới Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải gắn với mở rộng Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 (687ha), Đề án thành lập Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu tại huyện Cát Hải (752ha), Đề án thành lập Khu công nghiệp Cầu Cựu tại huyện An Lão (93,2ha) và Khu công nghiệp Ngũ Phúc tại huyện Kiến Thụy (922,83ha). Các đề án này đã được trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp đó, Hải Phòng cũng đang hoàn thiện các thủ tục thành lập mới các khu công nghiệp gồm DEEP C4 tại huyện Kiến Thụy, Tiên Thanh tại huyện Tiên Lãng, Vinh Quang tại huyện Tiên Lãng, An Hưng - Đại Bản tại huyện An Dương, Vinh Quang tại huyện Vĩnh Bảo, Giang Biên II tại huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên tại huyện Thủy Nguyên, Nam Tràng Cát tại quận Hải An và một số khu công nghiệp khác.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tổng quy mô các khu công nghiệp sẽ được thành lập tại Hải Phòng trong thời gian tới lên đến hàng nghìn ha. Cùng với sự gia tăng về nguồn cung, Hải Phòng cũng đặt ra mục tiêu sẽ thu hút thêm được khoảng 10 tỷ USD vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong 5 năm tới (2012-2025). Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 60%.

Trong bối cảnh bất động sản công nghiệp tại nhiều địa phương ở miền Bắc chưa có thêm nguồn cung mới, việc Hải Phòng chuẩn bị thành lập thêm các khu công nghiệp là động thái chủ động tạo lợi thế để đón nhận xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI mới.

Tạo lập hệ sinh thái khu công nghiệp

Với nguồn cung tăng mạnh, Hải Phòng chỉ đặt ra mục tiêu lấp đầy bình quân 60% các vào năm 2025 đang hoạt động vào năm 2025.

 “Như vậy, với sự gia nhập thị trường của nhiều dự án hạ tầng mới, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các vào năm 2025 khu công nghiệp với nhau, thậm chí là giảm giá thuê, giảm chất lượng dịch vụ”, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ - Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ I đánh giá.

Vậy nên, trong bối cảnh này, để các khu công nghiệp tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là đón được dòng vốn FDI “sạch” thì theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các địa phương cần đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu. Bên cạnh đó, cần phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động. Đồng thời, phải tạo được sự liên kết và đồng bộ với các dự án thuộc ngành nghề khác liên quan.

Còn GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường thì cho rằng, không nên phát triển các khu công nghiệp theo hướng thu hút nhà đầu tư làm hạ tầng rồi mạnh ai người ấy tự lấp đầy.

“Thế giới đã chuyển sang khái niệm khu công nghiệp sinh thái. Nhiều người hiểu sinh thái là đảm bảo yếu tố xanh, sạch của môi trường và tính bền vững trong phát triển. Nhưng cần hiểu khu công nghiệp sinh thái nghĩa là khu công nghiệp được tiếp cận theo cách thức xây dựng một hệ sinh thái có tính quan hệ cộng sinh lẫn nhau. Và để từ đó tạo nên mối quan hệ bền vững”, GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Một trong những nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp đang đi theo xu hướng này là Tập đoàn Vingroup. Hiện tập đoàn này đã đề xuất thành lập Khu công nghiệp Nam Tràng Cát rộng 200 ha để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, phục vụ cho Nhà máy Vinfast, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá. Song song với dự án này, Vingroup cũng đang đề xuất thành lập Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía nam sông Lục Lầm, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Mục tiêu của dự án là sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác. Các sản phẩm sẽ được cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của Vinfast, các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Như vậy, cả 2 dự án của Vingroup tại 2 địa phương đều đã tận dụng tối đa ưu thế gần cảng biển và cửa khẩu quốc tế. Chưa kể, 2 địa phương này còn được kết nối với nhau thông qua hệ thống cao tốc rất thuận lợi để tạo lập một hệ sinh thái tốt.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan