Trong thời gian vừa qua đã có nhiều chính sách thuế mới được ban hành. Việc thực hiện chính sách thuế mới không thể tránh khỏi những vướng mắc đối với doanh nghiệp. Để góp phần hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật về thuế của tổ chức và doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn, Cục Thuế TP. Hải Phòng tổ chức chương trình đối thoại, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 883 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 26 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về cả số dự án và số vốn đầu tư, với 179 dự án, tổng số vốn đăng ký là 11,15 tỷ USD, chiếm 42,56% tổng số vốn đăng ký đầu tư vào thành phố.
Tiêu biểu là các dự án thuộc tổ hợp LG với tổng vốn đầu tư đạt 7,24 tỉ USD, chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố. Riêng 6 tháng năm 2023, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố đạt 2,03 tỷ USD, bằng 184,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,57% kế hoạch năm 2023.
“Để tăng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, thành phố đã có nhiều chính sách cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tính (PCI). Bên cạnh đó, chú trọng việc kết nối giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố. TP. Hải Phòng cam kết luôn nỗ lực nhằm kiến tạo một môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc”, ông Quân nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế Cục Thuế TP. Hải Phòng đã tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp Hàn Quốc về những nội dung cơ bản, điểm mới Nghị định số 44/2023/N Đ- CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Tại cuộc đối thoại đã có trên 20 câu hỏi, ý kiến, vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc liên quan về việc kê khai thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, thay đổi mã số thuế, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân... với những tình huống, trường hợp cụ thể đã được đại diện Cục Thuế TP. Hải Phòng trả lời trực tiếp tại hội nghị.
Là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc lớn tại Hải Phòng, đại diện Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng đã nêu vướng mắc về xử lý trong trường hợp hàng bán bị trả lại.
Theo quy định cũ tại điều 2.8 Phụ lục số 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về việc trả lại hàng như sau: Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).
Đại diện các phòng ban, lãnh đạo của Cục Thuế TP. Hải Phòng trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn. |
Tuy nhiên theo quy định mới là Nghị định 123/2020/NĐ-CP chưa hướng dẫn cụ thể cách xử lý trong trường hợp hàng bán trả lại. Ngoài ra, công văn số 2121/TCT-CS ngày 29/5/2023 về việc lập hóa đơn thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Tổng Cục thuế có hướng dẫn: “Trường hợp hàng hóa đã mua trước 01/01/2023 với thuế suất 8%, sau ngày 31/12/2022 người mua trả lại hàng hóa do không đúng quy cách, chất lượng, thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập với thuế suất thuế GTGT 8%, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại”.
Theo công văn này khi khách hàng trả lại hàng bên bán phải lập hoá đơn điều chỉnh hoặc thay thế hoá đơn đã lập hoàn khác với quy định của Thông tư 39/2014/TT-BTC. Công ty muốn hỏi trường hợp hàng bị trả lại thì Công ty nên xử lý như thế nào để tuân thủ đúng quy định của luật? Đây là vướng mắc mà hiện rất nhiều các doanh nghiệp đang gặp phải trong hoạt động tại Hải Phòng.
Ông Seog Myeong Gug, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng chia sẻ: “Chúng tôi đến với buổi đối thoại hôm nay với mong muốn tìm hiểu về những điểm mới trong chính sách thuế mới đang áp dụng hiện nay. Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy rằng với một buổi đối thoại như thế này cũng chưa thể giải đáp hết các vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc, do vậy bên cạnh buổi đối thoại hôm nay, tôi mong muốn thời gian tới, Cục Thuế tổ chức các buổi đối thoại chuyên sâu hơn về từng lĩnh vực thuế để chúng tôi có thể tiếp cận được kỹ hơn chính sách thuế thực hiện hiệu quả nghĩa vụ thuế đối với thành phố”.
Với vai trò là cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành thuế trên địa bàn, ông Hà Văn Trường, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng chia sẻ: Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt chính sách thuế, đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố. Cơ quan thuế cam kết tiếp tục sẽ là ‘người bạn đồng hành’, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục thuế khi tham gia đầu tư trên địa bàn thành phố.
“Cục Thuế TP. Hải Phòng mong muốn tiếp tục đón nhận sự quan tâm phối hợp kịp thời, hiệu quả của Hiệp Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng, sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành thành phố trong công tác quản lý, cung cấp thông tin, chính sách thuế tới các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn. Từ đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới”, ông Trường nhấn mạnh.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần quan trọng vào thu ngân sách nội địa của TP. Hải Phòng trong vài năm trở lại đây, cụ thể: năm 2021 là 1.842 tỷ đồng (chiếm 5% trên tổng thu), năm 2022 là 2.623 tỷ (chiếm 6,8% trên tổng thu); 6 tháng đầu năm 2023 đã nộp 563 tỷ.
Trừ thuế TNCN và tiền thuê đất, số nộp ngân sách nội địa từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng chiếm từ 23 đến 30% số thu doanh nghiệp FDI; trong đó 6 tháng đầu năm 2023 đạt 347 tỷ đồng (chiếm 15,2% số thu của doanh nghiệp FDI).