Hải Phòng: Doanh nghiệp du thuyền trên vịnh Lan Hạ kiến nghị miễn, giảm giá vé, lệ phí

0:00 / 0:00
0:00
9 doanh nghiệp du thuyền ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) đã gửi Đơn kiến nghị xin giảm giá vé thăm quan, phí, lệ phí và hỗ trợ tạm dừng đóng phí BHXH tới cơ quan chức năng.
Mỗi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú đêm tại vịnh Lan Hạ đang phải chi trả hàng tỷ đồng mỗi tháng, cho dù hoạt động kinh doanh bị đóng băng.

Mỗi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú đêm tại vịnh Lan Hạ đang phải chi trả hàng tỷ đồng mỗi tháng, cho dù hoạt động kinh doanh bị đóng băng.

Trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ, thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng cảm ơn và khẳng định, các cơ quan quản lý ngành du lịch và chính quyền TP. Hải Phòng đã tạo mọi điều kiện, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong điều kiện hoạt động kinh doanh bình thường, trong suốt những năm qua, lĩnh vực tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ có những đóng góp tích cực vào GDP của địa phương, đóng góp hàng trăm tỷ đồng (vé tham quan vịnh) và thu ngân sách địa phương, tạo ra hàng nghìn việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp), giúp quảng bá hình ảnh du lịch Cát Bà (Hải Phòng) nói riêng và hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung đến với du khách trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp là những đối tượng chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Đơn kiến nghị nêu rõ: “Năm 2020, chúng tôi đã buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh, doanh thu về 0 đồng trong suốt các tháng 3, 4, 5; các tháng 8, 9, 10, 11, 12 doanh thu giảm nghiêm trọng. Sang năm 2021, các tháng 2, 3, 5, 6 và có thể là trong tương lai vẫn tiếp tục ngừng hoạt động kinh doanh và không có nguồn thu. Người lao động buộc phải nghỉ việc không lương trong các tháng ngừng hoạt động, giảm ngày công lao động và giảm thu nhập trong các tháng hoạt động cầm chừng, khiến cho cuộc sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Văn bản cũng cho biết, với mỗi tàu lưu trú nghỉ đêm, mỗi doanh nghiệp phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng, cùng rất nhiều hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh, một phần là nguồn vốn tự có, và một phần từ nguồn tín dụng ngân hàng.

Trong hoàn cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ từ chính sách cớ cấu giãn nợ của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế khoản lãi vay đó các doanh nghiệp đang tích lũy lại để trả trong tương lai. Cộng với những chi phí cố định rất lớn buộc phải chi trả như chi phí khấu hao, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hiểm tài sản, nhiên liệu, vận hành hệ thống máy, nhân sự vận hành, neo đậu cảng bến, nhà chờ, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, đào tạo lao động mới (do lao động nghỉ việc) trong các tháng hoạt động, các khoản phí gia hạn các giấy phép hàng năm,… Mỗi doanh nghiệp đang phải chi trả hàng tỷ đồng mỗi tháng, cho dù hoạt động kinh doanh bị đóng băng.

Trên thực tế, những doanh nghiệp kinh doanh tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ gặp phải những khó khăn khác từ đại dịch Covid-19. Đơn cử như hạ tầng cầu cảng tàu du lịch tại thành phố Hải Phòng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, trong khi doanh nghiệp tàu du lịch Hải Phòng chưa thể sử dụng các cảng tàu du lịch tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) phục vụ cho việc đón, trả khách, làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, do phải sử dụng một hải trình xa hơn.

Hầu hết những doanh nghiệp đều là những doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh du lịch, tàu lưu trú nghỉ đêm lâu năm, trước đó đã có các sản phẩm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Họ đầu tư kinh doanh sang vịnh Lan Hạ với mong muốn mang đến những sản phẩm tốt hơn cho du khách và mức chi phí rẻ hơn nhờ giá vé tham quan, để bù lại những chi phí phát sinh.

Cùng sản phẩm du thuyền lưu trú nghỉ đêm, để hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm kích cầu trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã giảm 50% giá vé tham quan vịnh cho đến 31/12/2021. Các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã có những hỗ trợ nhằm kích cầu du lịch như miễn, giảm giá vé tham quan các điểm tham quan du lịch.

Đơn kiến nghị nêu rõ, cho đến nay, trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, lợi thế về giá vé tham quan trên vịnh Lan Hạ đã không còn, khiến các doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Nhận thấy sự cấp thiết của việc cần được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét: Miễn phí vé tham quan vịnh Lan Hạ đến hết ngày 31/12/2021; Giảm 50% giá vé thăm quan đối với tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ cho đến hết năm 2022 (dự đoán du khách quốc tê sẽ chỉ đến Việt nam từ năm 2023); Miễn phí dịch vụ neo đậu tại cảng bến cho đến hết năm 2022; Miễn, giảm các phí, lệ phí vào, rời cảng bến cho đến hết năm 2022; Chính sách tạm ngừng đóng các khoản quỹ hưu trí, tử tuất trong bảo hiểm xã hội cho người lao động phù hợp với chính sách chung của Chính phủ; Hỗ trợ kinh phí đào tạo lại lao động phù hợp với chính sách chung của Chính phủ.

Ông Trần Hải Trung, Giám đốc du thuyền Scarlet Pearl, một trong những doanh nghiệp đã ký vào Đơn kiến nghị, cho biết thêm: “Sự hỗ trợ từ các Cơ quan chức năng trong thời điểm nguy cấp này là vô cùng quý giá với các doanh nghiệp, mang tính quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp, cũng như sinh kế của hàng ngàn người lao động. Do đó, các doanh nghiệp khẩn thiết kính mong nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng”.

Chia sẻ với phóng viên báo Đầu tư, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, chủ du thuyền Heritage Bình Chuẩn đang hoạt động, khai thác dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ nhấn mạnh: “Doanh nghiệp sống được mới có thể tạo ra công ăn, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu sạch bóng Covid-19 mà sạch luôn doanh nghiệp thì có đáng và nên? Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ khẩn khoản mong chính quyền và cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng nhanh chóng xem xét, đồng thuận các kiến nghị, đề xuất của chúng tôi. Bởi 5% doanh nghiệp còn lại đã sức cùng, lực kiệt, phải thở bình oxy và sắp không thể cầm cự nổi. Nếu toàn bộ doanh nghiệp du lịch chết hết, e rằng ngành kinh tế xanh Việt Nam cũng không còn”.

Mặt khác, doanh nhân Phạm Hà cũng đề xuất, trong bối cảnh buộc phải sống chung với Covid-19 (khi 80% người mắc Covid-19 tại TP.HCM không có biểu hiện), Chính phủ và các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine, chấp nhận “hộ chiếu vaccine” và IATA Travel Pass (ứng dụng chứng nhận sức khỏe của Hiệp hội Hàng không Quốc tế - IATA, đang được nhiều hãng hàng không trên thế giới thử nghiệm; ứng dụng này cho phép hành khách di chuyển an toàn giữa các quốc gia, đồng thời tuân thủ yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến)... Cần sớm đưa ra lộ trình mở cửa du lịch cho du khách quốc tế một cách an toàn, khả thi, hiệu quả. Nếu không, e rằng, du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu rất xa so với Thái Lan và các nước trong khu vực.

Tin bài liên quan