Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

0:00 / 0:00
0:00
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ TP. Hải Phòng vừa có cuộc kiểm tra tình hình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; sản xuất nông nghiệp tại huyện An Dương và huyện Tiên Lãng.

Theo đó, hiện việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đang được đẩy nhanh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Huyện An Dương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đến nay, huyện có 10/15 xã (67%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/15 xã (33%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024, huyện triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: An Đồng, Nam Sơn và Lê Lợi. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đang được đẩy nhanh, cơ bản bảo đảm tiến độ.

Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Lãng, đến hết năm 2023, huyện có 12/20 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Hiện huyện được đầu tư 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu 2023-2024, đã phê duyệt tổng số 127 công trình... Tuy nhiên, huyện gặp một số khó khăn, vướng mắc trong giải phòng mặt bằng (GPMB); di chuyển hạ tầng kỹ thuật điện; thực hiện các tiêu chí giao thông; giáo dục, y tế, văn hoá, môi trường. Huyện Tiên Lãng đề nghị Thành phố bố trí kinh phí cho các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 2024 - 2025 còn lại để tổ chức triển khai thi công các công trình, đảm bảo đạt các tiêu chí đề ra.

Đoàn kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới xã Tự Cường (huyện Tiên Lãng)

Đoàn kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới xã Tự Cường (huyện Tiên Lãng)

Trực tiếp kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã An Hưng (An Dương); Tự Cường, Bạch Đằng (Tiên Lãng) và nghe báo cáo của các huyện, Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các huyện trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu; còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bí thư Thành uỷ yêu cầu lãnh đạo UBND Thành phố; các ngành lắng nghe ý kiến từ cơ sở; quan tâm tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc về kinh phí, GPMB, di chuyển đường điện; thực hiện một số tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Công trình giao thông tại xã Bạch Đằng (huyện Tiên Lãng)

Công trình giao thông tại xã Bạch Đằng (huyện Tiên Lãng)

Về sản xuất nông nghiệp, huyện An Dương có tổng diện tích đất nông nghiệp 4.917,4 ha (trong đó: đất lúa 2.682,4 ha; cây hàng năm, cây lâu năm 1.350 ha; hoa cây cảnh 600 ha, nuôi trồng thủy sản 285 ha). Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2023 của huyện đạt 1.017,43 tỷ đồng, tăng 38,49 tỷ đồng so với năm 2020; Giá trị sản xuất/ha canh tác năm 2023 đạt 245 triệu đồng/ha, tăng 42,3 triệu đồng/ha so với năm 2020. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt 1,4%. Năm 2023, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản huyện quản lý chiếm tỷ trọng 13,53% (giảm so 2,35% với 2020). Huyện đang thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản; có nhiều mô hình sản xuất điển hình; phát triển nhiều sản phẩm OCOP. Đồng thời xây dựng đề án phát triển nông nghiệp huyện An Dương đến năm 2030 theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao, giá trị lớn…

Lãnh đạo thành phố kiểm tra tại huyện An Dương

Lãnh đạo thành phố kiểm tra tại huyện An Dương

Huyện Tiên Lãng có 13.031 ha đất nông nghiệp, chiếm 16,03% của thành phố. Hiện huyện quy hoạch 2 vùng sản xuất rau tại Tiên Minh, Toàn Thắng diện tích 155 ha; Quang Phục 100 ha; 13 vùng canh tác hữu cơ với 194 ha; có 2 mô hình sản xuất hàng hóa tập trung điển hình như chuối ở xã Tây Hưng 20 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; khoai tây phục vụ chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm với Viện Sinh học Nông nghiệp trên 130 ha tại các xã Quyết Tiến, Quang Phục, Cấp Tiến... Sản phẩm có lợi thế, đặc trưng là thuốc lào có chỉ dẫn địa lý (xã Kiến Thiết); hành, tỏi, dưa chuột, rau gia vị (xã Đông Hưng); dưa hấu (xã Tự Cường, Tiên Cường); nếp cái hoa vàng (xã Giang Khẩu- Đại Thắng), chuối tây (xã Tây Hưng).

Bí thư Thành uỷ đánh giá cao hiệu quả phát triển nông nghiệp của các địa phương, đã chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa; các cây, con giá trị cao, tăng thu nhập trên các đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân. Ông Châu lưu ý các huyện tập trung cao cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các mô hình có giá trị cao, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch.

Đoàn kiểm tra tới thăm mô hình sản xuất hành lá xanh xuất khẩu tại xã An Hưng (huyện An Dương)

Đoàn kiểm tra tới thăm mô hình sản xuất hành lá xanh xuất khẩu tại xã An Hưng (huyện An Dương)

Thăm các mô hình sản xuất điển hình như: cơ sở sản xuất hành lá xanh xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc tại xã An Hưng; cơ sở sản xuất Hoa Mây Sanh tại xã Tân Tiến, huyện An Dương, ông Lê Tiến Châu ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả của các mô hình, phát huy được giá trị đất đai, tập trung, tích tụ được ruộng đất; tạo việc làm cho lao động với mức thu nhập ổn định. Yêu cầu lãnh đạo huyện và các xã quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho các cơ sở, nhất là về tập trung, tích tụ ruộng đất để nhân rộng các mô hình, mở rộng quy mô sản xuất tăng thêm khoảng 20 - 30 ha.

Theo Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số. Cụ thể, phương án quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2030, hệ thống đô thị của Hải Phòng gồm: Khu vực nội thị (9 quận, trong đó có 7 quận hiện hữu và thành lập 2 quận mới gồm An Dương và Kiến Thuỵ); 1 đô thị loại III (thành phố Thủy Nguyên, bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên); 4 đô thị loại IV; 6 đô thị loại V.

Sau năm 2030, phát triển các huyện An Lão, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng trở thành thị xã, huyện Cát Hải trở thành quận biển đảo. Như vậy, TP. Hải Phòng trong tương lai sẽ chỉ còn một huyện là huyện đảo Bạch Long Vỹ.

Tin bài liên quan