Nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô quốc gia được triển khai xây dựng tại Hải Phòng. Ảnh: Anh Tuấn
Điểm đến của những nhà đầu tư lớn
Ngày 27/3 vừa qua, Tập đoàn LG Electronics của Hàn Quốc (LGE) đã khánh thành Tổ hợp công nghệ LG tại KCN Tràng Duệ (Hải Phòng). Đây là tổ hợp lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á của LGE, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Đây cũng là dự án FDI có số vốn đầu tư lớn nhất, tính đến thời điểm hiện tại của Hải Phòng.
Theo khẳng định của ông Ko Tae Yeaon, Giám đốc chiến lược của LG Electronics Việt Nam với phóng viên Báo Đầu tư, tổ hợp công nghệ cao tại Hải Phòng này chính là sự hiện thực hóa mục tiêu biến Việt Nam trở thành “căn cứ điểm quan trọng” trong chiến lược phát triển toàn cầu của LGE. Được biết, những sản phẩm sản xuất tại tổ hợp công nghệ này đều là những dòng sản phẩm chiến lược của LGE và 70% sản phẩm sản xuất tại nhà máy này sẽ được xuất khẩu tới 35 nước trên thế giới.
Trước đó, một dự án FDI “đình đám” khác cũng đã được khánh thành tại Hải Phòng. Đó là dự án đầu tư nhà máy sản xuất lốp xe cao su của Bridgestone Corporation, với tổng vốn đầu tư lên đến 1,224 tỷ USD (đứng thứ hai sau LGE). Dự án này ban đầu có số vốn đầu tư đăng ký là 547,8 triệu USD và được điều chỉnh nâng quy mô vốn vào tháng 11/2013. Đến cuối tháng 10/2014, nhà máy đã được khánh thành và đi vào hoạt động.
Riêng trong năm 2014, Hải Phòng đã thu hút được nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Trong đó phải kể đến Dự án Mở rộng Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng (tăng vốn từ 145,9 triệu USD lên 268,2 triệu USD); Dự án Sản xuất chi tiết, phụ tùng, linh kiện nhựa Dong Yang Hải Phòng (38 triệu USD); Dự án Sản xuất loa ti vi, động cơ rung điện thoại, tai nghe blutooth Bluecon Vina (50 triệu USD); Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (259 triệu USD). Hay Dự án Sản xuất nam châm đất hiếm, với việc đầu tư sản xuất áp dụng công nghệ nguồn (100 triệu USD),…
Ngoài ra, còn nhiều dự án của những thương hiệu nổi tiếng khác, như Dự án Sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma Corporation với số vốn đầu tư 250 triệu USD; Dự án Sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox với số vốn đầu tư 119 triệu USD…
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư
Trong những năm gần đây, Hải Phòng đã đạt nhiều thành tựu trong thu hút FDI: năm 2008 là 1,6 tỷ USD, năm 2013 gần 2,65 tỷ USD, năm 2014 đạt trên 1,1 tỷ USD. Những con số này đã khẳng định sức hấp dẫn của Hải Phòng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng có năm Hải Phòng gặp khó khăn trong thu hút FDI như năm 2009. Nhưng thay vì đổ lỗi do khách quan (khủng hoảng kinh tế thế giới), lãnh đạo TP. Hải Phòng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của mình để khắc phục. Theo ông Phạm Thuyên, Trưởng ban quản lý KKT Hải Phòng (HEZA), thời điểm đó, Hải Phòng thiếu cơ chế mềm và hạ tầng cứng. Nói cách khác, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, hạ tầng thì không đồng bộ, thiếu quỹ đất sạch cho nhà đầu tư…
Từ sự nhìn nhận thẳng thắn đó, Hải Phòng đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư của mình bằng việc thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ”, “một cửa liên thông”. HEZA đã giảm 1/2 thời gian cấp các loại giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động cho người nước ngoài...
Bên cạnh đó, hạ tầng các KCN, KKT cũng được Thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng một cách bài bản và đồng bộ. Điển hình là KCN Đình Vũ giai đoạn I, KCN Tràng Duệ giai đoạn I về cơ bản đã lấp đầy.
Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông quy mô quốc gia được triển khai xây dựng tại Hải Phòng. Như dự án Đầu tư xây dựng mở rộng khu bay thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện… đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông của thành phố Hải Phòng, là một trong các yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định của nhà đầu tư.