Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ
Chuyển giao không bồi hoàn
Với thực tế 2 nhà máy nhiệt điện BOT là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 sắp hết thời hạn hợp đồng BOT, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao EVN là đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình sau khi thời hạn hợp đồng chấm dứt.
Bộ này cũng đề nghị giao EVN chuẩn bị nhân sự, nguồn lực cần thiết và kinh phí có liên quan để tham gia vào các bước tiếp nhận nhà máy.
Sau khi hoàn thành thủ tục tiếp nhận chuyển giao, hai nhà máy này sẽ thực hiện hình thức xử lý tài sản chuyển giao theo phương thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 27/1/2021, Công ty BOT Phú Mỹ 2.2 đã gửi Bộ Công thương kế hoạch chuyển giao và đề xuất chỉ định đơn vị nhận chuyển giao để cùng phối hợp triển khai các bước tiếp theo.
Đây là điều khoản thuộc quy định tại Hợp đồng BOT với yêu cầu thời gian bắt đầu vào 3 năm trước khi chuyển giao.
Ngày 15/2/2021, Công ty BOT Phú Mỹ 3 cũng có văn bản đề nghị tham gia chứng kiến giai đoạn đại tu cuối cùng và giai đoạn nghiệm thu từng phần của nhà máy. Với việc tham gia này, phía Việt Nam sẽ bước đầu đánh giá được tình trạng của nhà máy, hỗ trợ cho việc giám sát nhà máy chạy thử nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn vận hành trước khi chuyển giao.
Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 1/3/2004 với thời hạn 20 năm và sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 1/3/2024, sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng. Còn với Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2, ngày 4/2/2025 là đến hạn chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi hết 20 năm hợp đồng.
Ai cũng Muốn
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và EVN đều có văn bản xin tiếp nhận, vận hành Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 sau khi hết hạn hợp đồng và được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam.
Trong đề xuất của mình, Petrovietnam đã đưa ra các lý do để xin tiếp nhận hai nhà máy. Đó là, Petrovietnam hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu cho hai nhà máy điện vận hành ở mức cao nhất, có thuận lợi để thu xếp được nhiên liệu với chi phí cạnh tranh nhất. Mặt khác, Petrovietnam cũng có kinh nghiệm trong việc vận hành, quản lý nhà máy điện khí với 4 nhà máy ở phía Nam.
Dẫu vậy, Bộ Công thương lại không nghiêng về đề xuất của Petrovietnam bởi lập luận, hiện 4 nhà máy điện tuabin khí là Nhơn Trạch 1&2, Cà Mau 1&2 có tổng công suất 2.700 MW đang được Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVPower) vận hành.
Hiện PVPower đã cổ phần hóa và công ty mẹ - Petrovietnam cũng không trực tiếp quản lý nhà máy nhiệt điện nào, nên không thể giao công ty cổ phần tiếp nhận các nhà máy này.
Đề xuất giao EVN tiếp nhận và vận hành hai nhà máy được Bộ Công thương lý giải là bởi EVN có xấp xỉ 30 năm kinh nghiệm vận hành các nhà máy điện, đang quản lý 35 nhà máy với 97.000 cán bộ công nhân viên - nghĩa là có kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực tài chính và nhân sự để tiếp nhận.
Bên cạnh đó, EVN đang vận hành các nhà máy chạy khí tương tự cùng với hai nhà máy Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3. Đồng thời EVN cũng là đơn vị đã cùng Bộ Công thương trong quá trình đấu thầu, đàm phán hợp đồng BOT cả 2 dự án trên.
Cũng theo quy định trong Hợp đồng mua bán điện của 2 dự án, từ khi các nhà máy đi vào vận hành, EVN và công ty BOT đã thành lập Ban điều phối liên hợp, họp ít nhất 3 lần/tháng để thực hiện các nhiệm vụ điều phối liên quan đến vận hành, điều độ, bảo dưỡng, kiểm nghiệm các thông số vận hành, giám sát chất lượng các loại tài sản của nhà máy, kiểm tra số liệu lưu trữ liên quan đến bản vẽ, đặc tính kỹ thuật, sổ tay chỉ dẫn vận hành. Do đó, EVN có đầy đủ thông tin, hồ sơ chi tiết về tình trạng, chất lượng nhà máy.
Thêm nữa, việc giao EVN là đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình sau chuyển giao là phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN.
- Ngày 8/5/2001, Dự án điện Phú Mỹ 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Hợp đồng BOT và các tài liệu liên quan.
-Ngày 22/5/2001, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 2204/GP cho dự án.
Ngày 1/3/2004, Nhà máy điện Phú Mỹ 3 đi vào vận hành thương mại và là nhà máy điện đầu tiên ở Việt Nam được phát triển theo hình thức BOT.
Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 3 có công suất 716,8 MW; tổng vốn đầu tư là 385 triệu USD do tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài gồm BP Holding B.V (Anh), SembCorp Utilities Pte Ltd (Singapore), Kyushu Electric Power Co Inc và Nissho Iwai Corp (Nhật Bản) thực hiện.
-Dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 có công suất 715 MW, được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư tại Văn bản 365/TTg, ngày 3/6/1996, theo hình thức BOT.
Nhà đầu tư là tổ hợp quốc tế gồm Công ty điện lực quốc tế Pháp (EDFI), Sumitomo, TEPCO (Nhật Bản), được lựa chọn qua đấu thầu quốc tế.
Ngày 16/8/2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Hợp đồng BOT và các tài liệu dự án.
Ngày 18/9/2001, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 2226/GP.
Tháng 1/2003 dự án được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành thương mại tháng 12/2004. Tổng vốn đầu tư 407,1 triệu USD.