Paul R.Milgrom (trái) và Robert B.Wilson. Ảnh: Stanford University.
Vào 16h50 ngày 12/10 (giờ Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế học 2020 thuộc về Paul R.Milgrom và Robert B.Wilson. Cả hai đã có đóng góp vào việc cải thiện lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới.
Paul Milgrom sinh năm 1948. Robert B.Wilson sinh năm 1937. Cả hai đều là người Mỹ và hiện giảng dạy tại Đại học Stanford (Mỹ).
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết đấu giá có mặt khắp nơi. Mọi người sử dụng đấu giá để mua bán đồ trên Internet. Tuy nhiên, mục đích của mỗi người là khác nhau.
Một số người bán muốn tối đa hóa doanh thu. Số khác lại dùng đấu giá làm công cụ để giảm khí thải CO2. "Thuyết đấu giá của Paul Milgrom và Robert Wilson là chìa khóa để tìm hiểu những mục tiêu này có thể đạt được bằng cách nào", cơ quan này nhận định.
Năm ngoái, giải thưởng được trao cho 3 nhà khoa học Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer. Họ được giải với nghiên cứu về cách tiếp cận thực nghiệm trong việc giảm nghèo toàn cầu.
Kinh tế thường là giải thưởng cuối cùng được trao mỗi mùa Nobel hằng năm, sau Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình. Nobel cho lĩnh vực kinh tế không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển - Alfred Nobel.
Giải này được bổ sung năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển - Sveriges Riksbank, cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này.
Dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao giải Nobel Kinh tế vẫn tương tự các lĩnh vực khác. Nhà khoa học giành Nobel Kinh tế năm nay sẽ được trao 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD).
Đến nay, giải Nobel Kinh tế học đã được trao 51 lần cho 84 nhà khoa học. Người trẻ nhất được xướng tên năm 47 tuổi, và cao tuổi nhất là 90. Đến nay, mới có hai phụ nữ giành được giải thưởng này.